Chile hé lộ những tài liệu điều tra gián điệp Đức quốc xã

Chile công bố tài liệu lưu trữ liên quan tới việc điều tra của mình trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 tiết lộ việc những kẻ ủng hộ phátxít đã làm cách nào để hỗ trợ Đức Quốc xã.
Một phiên xét xử tội phạm thời Đức quốc xã. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cảnh sát Chile vừa công bố những tài liệu lưu trữ liên quan tới việc điều tra của mình trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong đó tiết lộ việc những kẻ ủng hộ phátxít tại quốc gia Nam Mỹ này đã làm cách nào để hỗ trợ Đức Quốc xã trong thời gian đó.

Ngày 28/6, phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh dẫn các tài liệu trên cho biết nhiều thế hệ trẻ của các gia đình gốc Đức ở miền Nam Chile đã từng trải qua đợt huấn luyện bán quân sự, trong khi những người ủng hộ phátxít tại Chile thường xuyên gửi sang Đức thông tin về các hành trình của tàu buôn đồng minh.

[Cuộc tìm kiếm tàu chở vàng của Phátxít Đức chưa có kết quả]

Cảnh sát Chile cho biết đã có 40 người bị bắt giữ trong cuộc điều tra trên, đồng thời cũng công bố các tài liệu mà họ tìm được, bao gồm các cuốn sách có mã số, radio, vũ khí và các kế hoạch đánh bom của Đức quốc xã ở miền Bắc Chile.

Ngoài ra, 80 tập tài liệu cũng đã được chính thức bàn giao cho cơ cuan lưu trữ quốc gia Chile và trong thời gian tới những tài liệu trên sẽ được công bố cho công chúng.

Phát biểu tại lễ bàn giao các tập tài liệu trên, nghị sỹ trung tả Gabriel Silber cho biết tới đây quốc gia này sẽ phải đối diện với một sự thật không "dễ chịu" rằng một số nhân vật gần gũi với chính giới và một số doanh nhân nước này lại có liên quan tới chế độ phátxít.

Việc công bố các tài liệu trên diễn ra cùng với thời điểm một loạt các đồ khảo tác của Đức quốc xã được phát hiện giấu sau một tủ sách trong nhà của một nhà sưu tầm nghệ thuật tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Trong Thế chiến thứ hai, tại Chile và Argentina đã có một lực lượng lớn những kẻ ủng hộ quyền lực của Đệ tam Đế chế.

Sau khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều nhân vật lãnh đạo Đức quốc xã đã tìm tới ẩn náu tại các nước Nam Mỹ để tránh sự trừng phạt của pháp luật tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục