Ngày 21/9, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Argentina đã yêu cầu Thứ trưởng Ngoại giao Carlos Foradori điều trần về nội dung những thỏa thuận chung đã đạt được giữa nước này với London trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alan Duncan tới Buenos Aires vào tuần trước.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Elisa Carrió, người cũng tham gia liên minh Thay đổi cầm quyền của Tổng thống Mauricio Macri, cho biết đã yêu cầu ông Foradori điều trần trước Hạ viện vào ngày 28/9 tới.
Trước đó, ngày 14/9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Argentina thông báo đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Anh trong khai thác dầu khí, ngư nghiệp, thương mại, giao thông và vận tải hàng hải cũng như hàng không tại quần đảo tranh chấp Malvinas mà phía Anh gọi là Falklands.
Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, tờ La Nacion của Argentina đưa tin Chính phủ Anh đã bác bỏ tuyên bố của ông Macri về nội dung cuộc trao đổi ngày 20/9 với Thủ tướng nước này Theresa May về vấn đề chủ quyền Malvinas/Falklands, bên lề khóa họp thứ 71 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York, Mỹ.
Tờ báo này dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh khẳng định trong cuộc trao đổi không chính thức kéo dài 3 phút giữa ông Macri và bà May, vấn đề chủ quyền Malvinas/Falklands chưa từng được đề cập tới.
Trước đó, Tổng thống Macri tuyên bố trong cuộc tiếp xúc với bà May tại New York, ông đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng khởi động đàm phán với London về những chủ đề liên quan tới quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands, trong đó có vấn đề chủ quyền. Bà May cũng nhất trí cần bắt đầu tiến hành đối thoại song phương. Hai bên nhất trí cho rằng đây là quá trình kéo dài nhiều năm nhưng việc khởi động đàm phán là dấu hiệu tốt.
Quần đảo Malvinas/Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000km. Tranh chấp chủ quyền chung quanh những quần đảo nói trên có từ những năm 1820 khi mà Argentina tiếp quản những quần đảo này từ Tây Ban Nha và triển khai lực lượng quân sự đến đó. Tuy nhiên, đến năm 1883 Anh chiếm giữ những hòn đảo này và khẳng định chủ quyền tại đây.
Mặc dù Argentina và Anh đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ tháng 2/1990 nhưng những tranh chấp chủ quyền liên quan quần đảo trên vẫn còn tiếp diễn.
Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, song Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện nguyện vọng.
Năm 2013, Anh đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân trong đó đa số người dân sinh sống trên quần đảo bày tỏ vẫn muốn tiếp tục chịu sự quản lý của Anh - điều mà Argentina không chấp nhận./.