Sau khi đạt được thỏa thuận về chống buôn bán ma túy, Chính phủ Colombia và nhóm Lực lượng vũ trang cách mạng (FARC) ngày 2/6 đã trở lại thủ đô La Habana của Cuba để tiếp tục cuộc đàm phán nhằm nhanh chóng tìm kiếm sự nhất trí cuối cùng cho cuộc xung đột kéo dài gần 5 thập kỷ qua.
Phát biểu với báo giới, một thành viên của phái đoàn FARC cho hay hai bên sẽ thảo luận tiến hành hòa đàm trong hai ngày, thay vì kéo dài 11 ngày như lần đàm phán cuối cùng trước đó.
Sau gần hai năm khởi động đối thoại, chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và FARC còn hai nội dung chính trong gói 5 trọng tâm là việc giải giáp vũ khí và bồi thường cho các nạn nhân trong cuộc xung đột vũ trang.
Trước đó, Chính phủ Colombia và FARC đã đạt thỏa thuận về công tác chống buôn bán ma túy, theo đó hai bên nhất trí xóa bỏ vùng trồng cây thuốc phiện thông qua một chiến dịch tái canh tác trồng các loại hoa màu khác.
Thỏa thuận chỉ rõ FARC cam kết hỗ trợ vận động người trồng cây thuốc phiện tham gia sáng kiến trên nhằm tránh việc chính phủ sử dụng các hóa chất như thuốc diệt cỏ để loại bỏ cây thuốc phiện, một biện pháp mà nhóm vũ trang này cực lực phản đối. Ngoài ra, hai bên còn đạt thỏa thuận liên quan đến công tác ngăn chặn sử dụng ma túy cũng như giải pháp đối với sản xuất và tiêu thụ chất cấm này.
Vòng hòa đàm diễn ra trong bối cảnh Colombia phải tổ chức bầu cử tổng thống lần hai sau khi hai ứng cử viên - Tổng thống đương nhiệm Santos và đối thủ của ông là Oscar Zuluaga - đều không giành được số phiếu quá bán.
Cuộc bầu cử tổng thống lần này được xem như một cuộc trưng cầu ý dân về tiến trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ với FARC nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ qua ở quốc gia Nam Mỹ này.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Santos đánh cược vào tiến trình hòa đàm, trong khi ông Zuluaga chủ trương dùng biện pháp cứng rắn đối với nhóm du kích cánh tả như yêu cầu FARC ngừng bắn vĩnh viễn và bắt giam các thủ lĩnh của nhóm vũ trang này.
Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang lớn nhất nước này đã tiến hành đàm phán hòa bình từ tháng 11/2012, trong đó hai bên đã nhất trí về hai nội dung đầu tiên liên quan đến chính sách nông thôn và việc FARC tham gia các hoạt động chính trị của đất nước với tư cách một chính đảng đối lập.
Được thành lập năm 1964, FARC là tổ chức vũ trang lâu đời nhất tại Mỹ Latinh với quân số đông nhất có lúc lên tới hơn 20.000 người. Tuy nhiên, hiện nay FARC chỉ còn khoảng 8.000 thành viên.
Các cuộc xung đột kéo dài gần nửa thế kỷ qua giữa hai bên đã khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và khoảng 4,5 triệu người phải đi lánh nạn./.