Chính phủ Indonesia đã thông qua Chương trình phát triển trung hạn, trong đó tập trung chủ yếu vào thúc đẩy sản xuất trong nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và cải thiện cán cân tài chính tới mức lành mạnh nhất từ trước đến nay.
Phát biểu trong cuộc họp nội các mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ mới của Indonesia sẽ thực hiện một cách tiếp cận khác so với chính phủ tiền nhiệm trong phát triển kinh tế.
Indonesia sẽ phấn đấu đảm bảo tự chủ lương thực và năng lượng, và dành ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực hàng hải trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thay vì chủ yếu dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước tăng mạnh như trước đây.
Liên quan đến vấn đề lương thực, tại cuộc họp Ủy ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia một ngày trước đó, Phó Tổng thống Indonesia Yusuf Kalla đã một lần nữa khẳng định mục tiêu đảm bảo tự cung tự cấp lương thực vào năm 2019 của Chính phủ Indonesia, đồng thời kêu gọi các bộ ngành đẩy nhanh việc thực hiện để có thể hoàn thành sớm mục tiêu này trong vòng 3 năm tới.
Trước đó, chính sách thay thế nhập khẩu của Indonesia từng vấp phải chỉ trích của các nhà kinh tế nước ngoài và các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD).
Giới chuyên gia cho rằng việc Indonesia thúc đẩy sản xuất các mặt hàng mà nước này vốn không có lợi thế sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế, trong khi có thể nhập khẩu với chi phí rẻ hơn từ các nước khác trong nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa.
Cũng tại cuộc họp nội các ngày 19/12, Tổng thống Widodo đã chỉ thị các cơ quan chính phủ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của Chương trình phát triển trung hạn, trong đó có việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% và giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2019./.