Ngày 20/6, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar đã tuyên bố với Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc Yanghee Lee rằng chính phủ nước này sẽ tránh sử dụng cụm từ “Rohingya” để nói về cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở vùng Tây Bắc Myanmar bởi đây là một tên gọi “dễ gây tranh cãi.”
Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar Aung Lin cho biết trong cuộc gặp ở thủ đô Nay Pyi Taw với Báo cáo viên Lee - người đang có chuyến thăm 12 ngày đến Myanmar, bà Suu Kyi đã giải thích quan điểm của Chính phủ Myanmar về vấn đề người Rohingya và nói rằng nên tránh sử dụng các cụm từ gây tranh cãi.
Cộng đồng người Hồi giáo khoảng 1,1 triệu người đang chịu sự phân biệt đối xử rất nghiêm trọng này tự gọi họ là người Rohingya, trong khi nhà chức trách Myanmar cho tới nay vẫn gọi họ là người Bengali, với hàm ý họ là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.
Việc cộng đồng trên vẫn phải chịu sự phân biệt đối xử tồi tệ, thậm chí là ngược đãi đã trở thành chủ đề được bàn luận nhiều sau khi chính phủ của bà Suu Kyi lên nắm quyền và chưa có chính sách rõ ràng về vấn đề này.
Hôm 17/6, ông Thet Thinza Tun, đại diện của Myanmar ở Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã chỉ trích việc một đại diện Liên hợp quốc đã sử dụng “cách gọi tên không đúng” là “hành động đổ dầu vào lửa” và “chỉ khiến cho tình hình tồi tệ thêm.”
Theo ông này nên sử dụng cụm từ “cộng đồng Hồi giáo ở bang Rakhine” để đảm bảo sự hòa hợp và lòng tin giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo ở nước này./.