Chính phủ Thái Lan bác bỏ yêu sách của nhóm phiến quân BRN

Chính phủ Thái Lan bác bỏ yêu sách của nhóm phiến quân BRN về tiến trình thương lượng hòa bình, đồng thời tuyên bố BRN không liên quan đến việc thiết lập Vùng An toàn tại các tỉnh cực Nam.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, truyền thông Thái Lan ngày 12/4 đưa tin chính phủ nước này đã bác bỏ các yêu sách mới đây của nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Dân tộc - Barisan Revolusi Nasional (BRN) về tiến trình thương lượng hòa bình, đồng thời tuyên bố BRN không phải là một bên tham gia vào cuộc đàm phán, do đó sẽ không liên quan đến việc thiết lập Vùng An toàn tại các tỉnh cực Nam.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nêu rõ chính phủ sẽ không đối thoại trực tiếp với các nhóm phiến quân đồng thời bác bỏ khả năng tham gia của bên thứ 3 vào cuộc đàm phán.

Ông khẳng định nếu BRN muốn đưa ra yêu sách gì về việc thay đổi cơ chế đàm phán thì chuyển cho phía Malaysia, nước đang đóng vai trò trung gian.

Ông nhấn mạnh Chính phủ Thái Lan quyết tâm giải quyết cuộc xung đột này và “làm dịu tình hình càng sớm càng tốt.”

[Nhóm nổi dậy chính ở miền Nam Thái Lan phản đối kế hoạch hòa bình]

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Thái Lan, ông Aksara Kerdphol xác nhận nhà chức trách nước này sẽ tiếp tục thương lượng với MARA Patani, lực lượng mà chính quyền Bangkok cho là tổ chức bao trùm tất cả các nhóm ly khai trong đó có BRN.

Tháng Hai vừa qua, quân đội Thái Lan và nhóm phiến quân MARA Patani đã đạt được một thỏa thuận đột phá lập một “Vùng An toàn” tại một trong 3 tỉnh cực Nam. Đây là kết quả cuộc đàm phán diễn ở thủ đô của Malaysia, nước đóng vai trò trung gian cho cuộc thương lượng của hai bên.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thỏa thuận này mang ý nghĩa khiêm tốn, vì MARA Patani là lực lượng chủ yếu quy tụ các tay súng ly khai hiện đang ẩn náu ở Malaysia, trong nhóm nổi dậy hoạt động chủ yếu ở miền Nam Thái Lan là BRN không tham gia cuộc đàm phán này.

Ngày 10/4 vừa qua, BRN tuyên bố phản đối kế hoạch hòa bình của quân đội Thái Lan và đưa ra nhiều yêu sách liên quan đến cuộc đàm phán. Động thái này gây trở ngại cho việc thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột đã khiến gần 7000 người thiệt mạng tại quốc gia Đông Nam Á này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục