Những tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi ăn tối và làm việc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina diễn ra vào ngày 1/12 đã mang lại những hy vọng về giải pháp hòa bình cho cuộc thương chiến giữa hai nước.
Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đã vĩnh viễn bị thay đổi.
Theo bài viết trên tờ Washington Post, sau cuộc gặp, Trump đã đồng ý không tiếp tục tăng thuế từ mức 10% hiện nay lên mức 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc như đã thông báo trước đó.
Đổi lại, Trung Quốc chấp nhận mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm công nghiệp khác của Mỹ.
Hai bên cũng sẽ tiến hành đàm phán về “thay đổi cơ cấu” trong các hoạt động của Trung Quốc, bao gồm việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, lấy cắp bí mật thương mại và các rào cản phi thuế quan, đồng thời đề ra mục tiêu đạt được một thỏa thuận trong vòng 90 ngày tới.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ thực hiện những thay đổi cơ bản đối với hệ thống kinh tế của mình trong quá trình đàm phán.
Thậm chí, ngay cả khi Trung Quốc thực hiện điều đó và Mỹ sẽ dở bỏ các mức thuế quan thì những trở ngại khác đối với dòng vốn tự do và hàng hóa sẽ vẫn tồn tại.
Trong khoảng 25 năm qua, các nhà sản xuất Mỹ trở nên phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm Iphone, quần áo và linh kiện điện tử, khiến nhiều nhân công Mỹ mất việc ngay tại những trung tâm công nghiệp lớn của Mỹ.
Về phần mình, Trung Quốc đã đầu tư hơn 140 tỷ USD vào Mỹ từ năm 2000.
Tuy nhiên, gần 1 năm qua, việc Mỹ phát động chiến tranh thương mại thông qua tăng cường các mức thuế quan mới, thắt chặt đầu tư và kiểm soát xuất khẩu... đã khiến chính phủ Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư toàn cầu "chao đảo."
Theo phân tích của các chuyên gia thương mại, các nhà điều hành doanh nghiệp và các cựu quan chức chính phủ, việc Mỹ liên tục áp thuế khiến các công ty Mỹ phải xem xét lại sự hợp tác cũng như sự phụ thuộc vào nguồn nhân công giá rẻ ở Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh phải tăng cường nỗ lực để không bị lệ thuộc vào Mỹ, một đối tác khó lường.
Khi thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên,” Tổng thống Trump đã khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có một sự thay đổi lớn và khó có thể trở lại như xưa.
Wendy Cutler, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ, nhận định: “Khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra những chính sách không chịu nhượng bộ, việc chờ đợi mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc quay trở lại như trước đây là một điều viển vông. Chúng ta đang ở trong một thế giới mới.”
Tổng thống Trump đã sử dụng thuế quan làm "vũ khí" nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác của nước Mỹ kể từ những năm 1930 và đường lối cứng rắn của ông đối với Trung Quốc không chỉ tập trung ở mức thuế nhập khẩu mà còn trong nhiều lĩnh vực khác, như hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Thung lũng Silicon, có kế hoạch đưa ra những hạn chế mới về xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, xem xét lại thị thực du học và khoa học và cáo buộc Trung Quốc vì hành vi “xâm lược kinh tế.”
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu soạn thảo các quy định để hạn chế xuất khẩu các hạng mục công nghệ cao, bao gồm robot, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và điện toán.
Động thái trên giúp đảm bảo an ninh quốc gia và vị thế đi đầu trong công nghệ của Mỹ.
Mỹ cũng tăng cường kiểm soát xuất khẩu do lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng mua hoặc đánh cắp công nghệ để "vượt mặt" Thung lũng Silicon bởi bắt đầu từ năm 2015, kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" đã được Bắc Kinh áp dụng đối với 10 lĩnh vực công nghệ nhằm chiếm vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ.
Khi bị Mỹ áp thuế với gói hàng hóa trị giá hơn 250 tỷ USD, Trung Quốc buộc phải trả đũa bằng cách mua đậu tương từ Brazil thay vì mua từ bang Indiana và Lowa của Mỹ.
Bên cạnh đó, việc ZTE - hãng viễn thông kinh doanh các thiết bị viễn thông của Trung Quốc - bị Mỹ trừng phạt do vi phạm lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên cũng khiến Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã phải thúc đẩy kế hoạch biến Trung Quốc trở thành quốc gia tự cung tự cấp về công nghệ.
Tập Cận Bình đã trực tiếp chỉ đạo một chiến dịch thúc đẩy sự “tự lực” với các chuyến đi tới các khu công nghiệp hiện đại của Trung Quốc ở phía Nam và khu kinh tế vành đai truyền thống ở đông bắc.
Nhà cựu ngoại giao Mỹ Charles W. Freeman Jr. nói: “Quá trình giảm phụ thuộc vào Mỹ về nguồn đầu vào nông nghiệp và công nghiệp sẽ tiếp tục tăng tốc. Các công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ phải tự bảo vệ mình bằng cách tiếp tục chuyển một số cơ sở của họ sang Việt Nam hoặc các nền kinh tế khác có chi phí nhân công rẻ hơn.”
Theo nhiều chuyên gia, ngay cả khi hai nhà lãnh đạo đạt được một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến tranh thương mại, giúp giảm những tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, thì môi trường kinh tế và chính trị cũng đã thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc, và đảo ngược lại điều này là điều không thể./.