Đài RFI dẫn tờ Le Monde của Pháp số ra ngày 27/6 với bài viết "Thế giới chỉ trích chủ nghĩa xét lại của ông Shinzo Abe," trong đó cho biết cộng đồng thế giới kêu gọi Nhật Bản nên nhìn thẳng vào quá khứ lịch sử và Chủ nghĩa Hiếu hòa là nền tảng xây dựng lòng tin của các quốc gia lân cận trong khu vực và thế giới với Nhật Bản trong gần 70 năm qua - nhân dịp gần đến ngày kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương, ngày 15/8/1945.
Nhật báo cho biết ngày 28/6, phiên họp của Ủy ban về Di sản Thế giới sẽ được tổ chức nhưng các bất đồng giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có nguy cơ nổ ra. Tokyo đề nghị ghi vào Di sản Thế giới 23 địa điểm tượng trưng cho cuộc cách mạng công nghiệp thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912).
Lời đề xuất đó đã bùng lên những phản đối của các nước xung quanh cho rằng 7 trong số đó từng là địa điểm lao động cưỡng bức, nhất là của hơn 58.000 người Triều Tiên.
Cuối cùng, Nhật Bản cũng đồng ý đặt những tấm biển nhắc lại nỗi đau khổ của những nạn nhân có liên quan đến những địa điểm này.
Bên cạnh đó, hàng trăm sử gia và chính trị gia Âu-Mỹ, trong một thư ngỏ ủng hộ các sử gia Nhật Bản, kêu gọi chính phủ của ông Shinzo Abe nhìn nhận quá khứ lịch sử về việc sử dụng gần 200.000 "phụ nữ mua vui" châu Á và một vài người châu Âu cho quân đội Thiên Hoàng, hay như thảm họa có tên gọi là Đơn vị 731, bộ phận đã cho thực hiện các thí nghiệm vi trùng học trên các tù nhân Trung Quốc tại Cáp Nhĩ Tân trong suốt cuộc chiến.
Về phần mình, Berlin cũng kêu gọi Nhật Bản hãy tôn trọng quá khứ, không nên tô điểm những trang sử đen dưới danh nghĩa danh dự quốc gia để cải thiện được hình ảnh đất nước.
Theo nước Đức, chính chủ nghĩa chủ hòa có từ gần 70 năm qua, chứ không phải là do việc hồi phục lại quá khứ đáng bị lên án, đã làm nên danh dự cho Nhật Bản.
Cũng theo tờ báo Pháp, làn sóng phản đối kế hoạch sửa đổi chính sách quốc phòng tại Nhật ngày càng gia tăng và ông Shinzo Abe sẽ khó lòng thuyết phục công luận trong nước./.