Ngày 8/9, tại đảo Lesbos của Hy Lạp đã xảy ra các cuộc đụng độ mới giữa cảnh sát và người di cư.
Đây được xem là "điểm nóng" mới trong cuộc khủng hoảng di cư đang làm rúng động châu Âu, khiến Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk phải đưa ra cảnh báo quá trình giải quyết vấn đề này có thể kéo dài nhiều năm.
Theo giới chức địa phương, đảo Lesbos đang bên bờ vực "nổ tung" khi lực lượng bảo vệ bờ biển và cảnh sát chống bạo động Hy Lạp đã được huy động suốt đêm qua nhằm kiểm soát khoảng 2.500 người nhập cư ở cảng trọng yếu của hòn đảo này.
Lesbos, nơi có khoảng 85.000 dân, hiện đang quá tải với trên 15.000 người di cư, chủ yếu là người Syria, đổ về.
Với việc tiếp tục xuất hiện thêm một "điểm nóng" về người di cư ở Hy Lạp, Chủ tịch EU Tusk nhấn mạnh làn sóng di cư hiện nay không phải là một vụ rắc rối nhất thời, do đó việc đối phó với vấn đề này có thể kéo dài trong nhiều năm tới.
Trước hoàn cảnh tuyệt vọng của người di cư, Anh, Pháp và thậm chí cả các quốc gia Nam Mỹ cũng cam kết sẽ tiếp nhận hàng chục nghìn người di cư đang đổ về các nước EU mỗi ngày.
Venezuela cho biết sẽ tiếp nhận 20.000 người di cư từ Syria, bằng con số của Anh đưa ra nhưng London sẽ thực hiện trong vòng 5 năm.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên bố người tị nạn sẽ được chào đón tại nước này với "vòng tay rộng mở."
Nhà lãnh đạo Chile Michelle Bachelet thông báo nước này đang cân nhắc tiếp nhận một số lượng lớn người nhập cư.
Tỉnh Quebec của Canada cho hay cũng sẽ tiếp nhận 3.650 người tị nạn trong năm nay.
Phát biểu trên kênh truyền hình Đức ZDF tối 7/9, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel tuyên bố Berlin có thể tiếp nhận tới 500.000 người tị nạn/năm trong vài năm tới./.