Phát biểu tại Hội nghị Ngân hàng Trung ương tại Bồ Đào Nha ngày 28/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất liên tiếp tại các cuộc họp sắp tới để hạ nhiệt nền kinh tế.
Fed đã dừng tăng lãi suất tại cuộc họp trong tháng này, sau 10 lần tăng liên tiếp, để có thời gian xem xét đầy đủ các tác động của việc tăng lãi suất trong việc giảm lạm phát và làm chậm lại các hoạt động của nền kinh tế.
Cũng tại cuộc họp vừa qua, đa số các quan chức Fed nhận định về khả năng tăng lãi suất thêm hai lần từ nay đến cuối năm.
Các quan chức Fed đã nhận thấy việc tăng lãi suất vừa qua cùng với những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ gây ra một đợt suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến và để cân bằng, đảm bảo rằng nền kinh tế phục hồi tốt hơn, và nếu lạm phát vẫn ở mức quá cao, Fed buộc phải nâng lãi suất lên cao hơn.
Ông Powell nhấn mạnh Fed có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa ngay trong tháng tới do thị trường lao động mạnh mẽ duy trì khả năng chi tiêu cao, có thể dẫn đến nhu cầu cao.
Tuy nhiên, ông nói thêm Fed chưa quyết định liệu có tăng lãi suất liên tiếp tại các cuộc họp hay không.
Theo ông, chính sách tiền tệ có thể cần thêm thời gian để có tác động đến lạm phát và giảm về mức mục tiêu dài hạn 2% mà Fed đặt ra.
Fed đã tăng lãi suất 5 điểm phần trăm trong hơn một năm. Lạm phát đã giảm kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng vẫn vượt xa mức mục tiêu.
Fed dự kiến lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, sẽ không quay về mức mục tiêu trước năm 2025.
Trước đó, theo kết quả khảo sát của tổ chức Conference Board công bố ngày 27/6, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Sáu đạt 109,7 - mức cao nhất kể từ tháng 1/2022 và tăng từ mức 102,5 của tháng Năm.
[Mỹ: Số liệu kinh tế khả quan có thể thúc đẩy Fed sớm nâng lãi suất]
Theo báo cáo, nhóm người tiêu dùng dưới 35 tuổi và những người có thu nhập hàng năm trên 35.000 USD là động lực chính thúc đẩy niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đi lên trong tháng này.
Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới của người tiêu dùng giảm từ mức 6,1% trong khảo sát tháng trước xuống 6,0%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nhận định nền kinh tế đang đối mặt nguy cơ suy thoái vào một thời điểm nào đó trong 6-12 tháng tới.
Mặc dù mức tăng 1,3% của tháng Tư đã bị điều chỉnh giảm xuống 0,6%, nhưng chi tiêu kinh doanh tại Mỹ vẫn tăng bất chấp tác động từ chi phí đi vay cao hơn.
Báo cáo lưu ý có sự gia tăng đáng kể số đơn đặt hàng thiết bị điện, thiết bị và linh kiện cũng như máy móc.
Thị trường nhà ở Mỹ cũng ghi nhận tín hiệu khả quan, khi các chuyên gia kinh tế đánh giá thị trường này có khả năng đã chạm đáy và đang bắt đầu cải thiện./.