Tối 9/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham dự.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các Đoàn đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng tham dự...
Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018 với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Báo cáo kết quả 5 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Luật Phổ biến giáo dục pháp luật lấy ngày 9 tháng 11 - ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2013, Ngày Pháp luật hằng năm được triển khai. Trong 5 năm qua, Ngày Pháp luật trong tổng thể công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp ủy Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Chủ đề Ngày Pháp luật hằng năm được Bộ Tư pháp tham mưu lựa chọn bám sát yêu cầu thực tiễn của đất nước. Chẳng hạn như năm 2013, khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Hiến pháp, chủ đề được chọn là xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp... Chủ đề năm 2018 tập trung vào yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và người dân.
Nội dung Ngày pháp luật được lựa chọn triển khai phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; bao hàm hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ phổ biến, vận động chấp hành các Bộ luật, luật; đến các quy định cụ thể về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; môi trường đầu tư kinh doanh; an sinh xã hội; an toàn giao thông đến phòng chống tham nhũng, lãng phí, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội... Việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và là điểm nhấn của công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng nhận thấy qua 5 năm, Ngày Pháp luật đã được các cấp ủy đảng, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương hưởng ứng tích cực, được tổ chức ngày càng nề nếp, thiết thực và hiệu quả với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được chú trọng, gắn với tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, của doanh nghiệp; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm và giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trở thành nội dung chủ yếu trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
“Có thể nói, Ngày Pháp luật đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của toàn xã hội. Ngày Pháp luật đang góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, hội nhập, năng động; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân theo đúng tư tưởng dân chủ-pháp quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực, thành tích của các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức có hiệu quả Ngày Pháp luật và sự hưởng ứng rộng rãi, thiết thực của các tầng lớp nhân dân đối với sự kiện quan trọng này; đồng thời hoan nghênh Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt Ngày Pháp luật những năm vừa qua.
[Việt Nam tích cực đóng góp vào thảo luận về phát triển luật quốc tế]
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cần nghiêm túc nhìn nhận việc hưởng ứng Ngày Pháp luật thời gian qua ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao. Hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, ngay cả trong một số cán bộ, công chức thực thi công vụ; việc xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật còn lúng túng, chất lượng chưa được như mong muốn. Nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong công cuộc Đổi mới đất nước, việc đề cao vai trò, tính tối thượng của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan. Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, trong đó một khâu quan trọng là nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một đòi hỏi bức thiết.
Để Ngày Pháp luật năm 2019 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành các quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Cùng với đó, chú trọng, tăng cường hơn nữa đến việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các Luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Cần có giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mỗi người dân, mỗi cộng đồng cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật vì lợi ích của mình và của cộng đồng," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật để phục vụ đắc lực hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, để các hoạt động này gần gũi và cần thiết hơn đối với mỗi cộng đồng, mỗi người dân; đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước là lực lượng nòng cốt; đồng thời cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia.
“Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người chúng ta phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống. Một quốc gia phát triển vững bền cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó không chỉ được tôn vinh trong Ngày Pháp luật Việt Nam, mà phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội," Chủ tịch Quốc hội nói.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã giao lưu với các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu trong triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 5 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, phổ biến, thi hành, bảo vệ pháp luật và tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen 60 tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này./.