Chứng khoán Âu-Mỹ đi ngược chiều trong phiên giao dịch ngày 20/7

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2 lên 31.874,84 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên 3.959,9 điểm. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,4% xuống 7.267,97 điểm.
Giao dịch viên làm việc tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 20/7, với chứng khoán châu Âu đi xuống trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước nguồn cung khí đốt của Nga giảm, còn chứng khoán Mỹ nới rộng đà tăng trong phiên thứ hai.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2 lên 31.874,84 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên 3.959,9 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,6% lên 11.897,65 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,4% xuống 7.267,97 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,2% xuống 13.281,98 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris hạ 0,3% xuống 6.184,66 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,1% xuống 3.585,24 điểm.

Đồng euro đã biến động mạnh trước khi hạ xuống mức thấp hơn trước cuộc họp quan trọng của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày 21/7, khi ECB dự kiến sẽ công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm để kiềm chế lạm phát ở mức cao.

Chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh trong phiên 19/7 trong bối cảnh báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp đã làm dịu lo ngại về tác động của lạm phát cao và lãi suất tăng lên lợi nhuận, và đà tăng này tiếp tục được duy trì trong phiên 20/7, một điểm sáng trong năm giao dịch ảm đạm này.

[Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng mạnh trong phiên 19/7]

Mặc dù một số công ty, chẳng hạn như Apple và Johnson & Johnson, bày tỏ sự lo ngại về triển vọng kinh tế, song dường như hoạt động bán tháo trên các thị trường đã ngừng lại. Các nhà đầu tư đặc biệt chuyển sang cổ phiếu công nghệ.

Một số nhà bình luận cho rằng nửa cuối năm có thể chứng kiến một đợt phục hồi mạnh, bất chấp dữ liệu chính thức tiếp tục cho thấy lạm phát tiếp tục tăng mạnh trên toàn thế giới.

Lạm phát hàng năm của Anh đã chạm mức cao mới trong 40 năm ở mức 9,4% trong tháng 6/2022 do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay, và mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào ECB.

Đồn đoán ECB có thể tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,25 điểm phần trăm mà hầu hết các quan chức ECB đánh tín hiệu trước đây, đã đẩy đồng euro đi lên so với đồng USD kể từ khi đồng tiền này giảm xuống dưới mức ngang giá vào tuần trước lần đầu tiên sau 20 năm.

Bên cạnh đó, tờ Bloomberg News mới đây đưa tin tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 vào ngày 21/7, mặc dù công suất giảm.

Nga đã ngừng giao hàng cho Đức vào tuần trước vì lý do kỹ thuật, nhưng có những lo ngại rằng điều này sẽ tiếp diễn nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu liên quan căng thẳng Nga-Ukraine.

Nhà quản lý đường ống của Đức ngày 20/7 cho biết việc vận chuyển khí đốt của Nga dự kiến sẽ được nối lại ở mức trước đó.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 15,81 điểm lên 1.194,14 điểm; toàn sàn có 374 mã tăng, 87 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX- Index tăng 4,44 điểm lên 288,87 điểm; toàn sàn có 165 mã tăng, 48 mã giảm và 48 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục