Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch 28/4

Đà tăng trên các thị trường đã bị giới hạn bởi hoạt động chốt lời và lo ngại rằng nhiều biện pháp kiểm soát dịch có thể được dỡ bỏ quá sớm, dẫn đến nguy cơ đợt bùng phát thứ hai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 28/4, trong bối cảnh giới đầu tư đang dõi theo động thái của chính phủ các nước trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa.

Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong ghi nhận phiên thứ hai khởi sắc liên tiếp với mức tăng 1,2% lên 24.575,96 điểm. Thị trường Seoul ghi thêm 0,6%, còn thị trường Đài Bắc tăng 0,5%.

Thị trường Manila ghi nhận mức tăng mạnh hơn 2%, trong khi thị trường Jakarta tăng 0,3%. Hai thị trường Singapore và Mumbai lần lượt ghi thêm 0,2% và 0,8%.

[Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên 27/4]

Đáng chú ý trong phiên này, thị trường Wellington tăng hơn 3%, khi giới đầu tư quay trở lại sau một kỳ nghỉ cuối tuần dài sau khi New Zealand tuyên bố “chiến thắng” dịch COVID-19 và xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo lại giảm 0,1% xuống 19.771,19 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải để mất 0,2% và khép phiên ở mức 2.810,02 điểm.

Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại thị trường Việt Nam, với chỉ số VN-Index để mất 3,56 điểm, hay 0,46%, xuống 767,21 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,04 điểm, tương đương 0,04% và khép phiên với 106,26 điểm.

Dù số liệu bắt đầu cho thấy rõ tác động của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế, những ngày vừa qua, các thị trường đã được thúc đẩy bởi thông tin rằng ở nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tốc độ lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 đã chậm lại đáng kể.

Tuy nhiên, đà tăng trên các thị trường đã bị giới hạn bởi hoạt động chốt lời và lo ngại rằng nhiều biện pháp kiểm soát dịch có thể được dỡ bỏ quá sớm, dẫn đến nguy cơ đợt bùng phát thứ hai.

Những lo ngại này càng được củng cố bởi số liệu mới đây từ Đức cho thấy tốc độ lây nhiễm đã tăng nhẹ ngay khi nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tuần này, giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến các quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết sẽ bỏ giới hạn đối với chương trình mua trái phiếu của ngân hàng này để cung cấp thanh khoản cho các thị trường tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục