Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần 30/9, khi lạm phát tiếp tục tăng cao buộc các ngân hàng trung ương lớn phải “mạnh tay” điều chỉnh lãi suất để kiểm soát giá cả.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm điểm – nối bước đà sụt giảm trên Phố Wall, nơi nỗi lo về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn, lạm phát gia tăng cùng khả năng xảy ra suy thoái vẫn ám ảnh thị trường.
Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 484,84 điểm (tương đương 1,83%) và kết thúc phiên ở mức 25.937,21 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 1/7.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm trong bối cảnh lo ngại suy thoái lan rộng. Theo đó, chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 15,44 điểm (0,71%) và đóng cửa ở mức 2.155,49 điểm.
[Mỹ: Quan chức Fed ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất]
Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong kết thúc tuần giao dịch trong sắc xanh nhờ hoạt động mua vào khi giá thấp, mặc dù lo ngại lạm phát và lãi suất tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường. Chỉ số Hang Seng phiên này tăng 56,96 điểm (0,33%) lên 17.222,83 điểm.
Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,81 điểm (0,55%) xuống 3.024,39 điểm sau khi báo cáo mới nhất cho thấy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc lại gặp khó khăn vào tháng Chín.
Điều này chủ yếu do các vụ phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở nhiều khu vực của đất nước, qua đó tác động không nhỏ tới nền kinh tế số hai thế giới.
Ngoài ra, nhà đầu tư hầu như ít phản ứng trước tin tức rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép một số thành phố giảm lãi suất thế chấp đối với các khoản mua nhà lần đầu khi nước này cố gắng hỗ trợ thị trường bất động sản.
Trên các thị trường khác, Sydney, Wellington và Manila cũng trong vùng giảm điểm. Tuy nhiên, Mumbai, Jakarta và Bangkok ghi nhận mức tăng.
Trong một dấu hiệu cho thấy con đường dài phía trước còn nhiều khó khăn cho các ngân hàng trung ương lẫn triển vọng ảm đạm đối với chứng khoán, báo cáo từ một số quốc gia bao gồm Đức và Bỉ trong tuần này cho thấy giá cả vẫn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Mỹ, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa nhắc lại ý định tăng lãi suất cho đến khi họ kiềm chế được lạm phát, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.
Khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp càng được củng cố bởi tin tức rằng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm xuống dưới 200.000 đơn lần đầu tiên kể từ tháng 5/2022.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9, chỉ số VN-Index tăng 6,04 điểm (0,54%) lên 1.132,11 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,84 điểm (0,34%) lên 250,25 điểm./.