Chứng khoán châu Á diễn biến trái vào chiều ngày 30/1

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều khi đóng cửa ngày 30/1 trước thềm đàm phán thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc, dự kiến diễn ra tại Washington của Mỹ vào ngày 30/1 (giờ địa phương).
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều khi đóng cửa ngày giao dịch 30/1 trước thềm cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến diễn ra tại Washington của Mỹ vào ngày 30/1 (giờ địa phương).

Vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 30/1, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo của Nhật Bản giảm 0,5% xuống còn 20.556,54 điểm, chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong của Trung Quốc tăng 0,40% lên 27.642,85 điểm và chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải của Trung Quốc giảm 0,7% xuống còn 2.575,58 điểm.

Trong khi đó, các thị trường Wellington của New Zealand, Singapore, Mumbai của Ấn Độ và Manila của Philippines đều giảm điểm, trong khi thị trường Sydney của Australia tăng 0,2% và thị trường Seoul của Hàn Quốc tăng 1%.

Nhà phân tích David Madden thuộc CMC Markets, nhận định một số thương nhân đang “án binh bất động” trước thềm cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa bối cảnh những hy vọng về khả năng cuộc đàm phán này sẽ đạt được tiến triển là không cao.

[Standard Chartered phát hành 2.318 tỷ đồng trái phiếu cho REE]

Theo ông David Madden, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hy vọng cuộc đàm phán sẽ đạt được sự tiến triển đáng kể, song do những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan vụ Huawei, cuộc đàm phán này có thể chịu tác động bất lợi.

Trong khi đó, vào tối 29/1, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nói rằng thỏa thuận “ly hôn” giữa Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh, hay còn gọi là Brexit, là không thể đàm phán lại. Đây là phản ứng của EU ngay sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu ủng hộ việc thay thế thỏa thuận biên giới với Cộng hòa Ireland bằng các “dàn xếp thay thế khác” nhưng chưa được xác định.

Người phát ngôn trên tuyên bố EU tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định liên quan đến những bước tiếp theo ngay khi có thể, đồng thời tái khẳng định thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo việc Vương quốc Anh ra khỏi EU một cách có trật tự.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đại diện cho lãnh đạo châu Âu, đã tham vấn các lãnh đạo châu Âu về việc Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu EU rút lại điều khoản “rào chắn” của thỏa thuận.

Người phát ngôn của Chủ tịch EC khẳng định giải pháp "rào chắn," giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc nước Anh và Cộng hòa Ireland, là để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai, như một phần của thỏa thuận Brexit, đồng thời khẳng định sẽ không mở lại đàm phán về mục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục