Chứng khoán châu Á lùi về mức thấp nhất trong 10 tuần qua

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,6%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2014.
Các chỉ số của thị trường chứng khoán châu Á tại quận Raffles, Singapore. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đi ngược với xu hướng đi lên ở đầu phiên, các thị trường chứng khoán châu Á lại đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 16/9, giữa bối cảnh giới đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với nhiều đồn đoán rằng ngân hàng này sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Ngoài ra, các báo cáo đáng thất vọng mới đây về sản lượng công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc trong tháng 8/2014 cũng góp phần kéo "sắc đỏ" trở lại các sàn giao dịch cổ phiếu.

Kết thúc phiên này, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,6%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2014.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng "chia tay" chuỗi năm ngày đi lên liên tiếp để hạ 36,76 điểm (0,23%), xuống 15.911,53 điểm, sau khi leo lên mức cao nhất tám tháng vào cuối tuần trước.

Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng mất 28,1 điểm (0,51%), chốt ở mức 5.445,5 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đua nhau đi xuống, mặc dù thị trường Hong Kong phải đóng cửa sớm do bão to.

Khép lại phiên giao dịch 16/9, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt giảm 42,59 điểm (1,82%) và 220,98 điểm (0,91%), xuống còn 2.296,55 điểm và 24.136,01 điểm.

Cuộc họp của Fed là nhân tố chính chi phối diễn biến của các thị trường toàn cầu trong vài phiên gần đây, giữa lúc ngày càng dấy lên những đồn đoán về khả năng ngân hàng này sẽ đẩy sớm thời điểm nâng lãi suất.

Những ý kiến chỉ trích cho rằng mức lãi suất thấp gần 0% mà Fed duy trì trong sáu năm qua sẽ dẫn đến tình trạng bong bóng tài sản và lạm phát cao.

Tuy nhiên, việc Fed nâng lãi suất sẽ tác động tiêu cực tới các thị trường chứng khoán châu Á.

Bên cạnh đó, "sắc đỏ" của thị trường chứng khoán châu Á trong phiên này còn được "tô đậm" hơn bởi số liệu kém lạc quan về sản lượng công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8/2014 chỉ tăng 6,9%, mức tăng thấp nhất trong gần 6 năm qua, còn sản lượng công nghiệp của Mỹ trong cùng kỳ cũng bất ngờ giảm 0,1%, đánh dấu lần sụt giảm lần đầu tiên trong vòng bảy tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục