Bất chấp thị trường lao động có sự cải thiện mạnh mẽ, ngày 10/4, các nhà đầu tư đã bán đổ bán tháo tài sản, khiến các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại thị trường Mỹ mất giá thảm hại nhất trong nhiều năm qua.
Giá USD trong ngày cũng sụt giảm mạnh so với các ngoại tệ mạnh khác.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch New York cho biết đến phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 10/4, chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite bị mất tổng cộng 129,79 điểm, tương đương với 3,1%. Đây là lần mất giá thảm hại nhất của loại cổ phiếu này kể từ tháng 8/2011. Loại cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại đã bị mất giá 7% so với thời điểm đỉnh cao ngày 5/3 vừa qua.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones bị mất 266,96 điểm, tương đương với 1,6%, chỉ còn ở mức 16.170,22 điểm. Đây là lần mất giá nhiều nhất của loại cổ phiếu danh giá này kể từ đầu năm 2014. Chỉ số Standard & Poor 500 trong ngày cũng bị mất 39,10 điểm, giảm 2,9% so với thời điểm đầu năm 2014.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm bị mất điểm nhiều nhất, điển hình là của công ty Alexion Pharma bị mất giá 7,5%, Gilead Sciences bị mất giá 7,3%, tiếp đó là công ty TripAdvisor bị mất giá 7%.
Đồng USD trong ngày cũng giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng ba tuần qua so với đồng yen của Nhật Bản và đồng franc của Thụy Sỹ, với tỷ lệ tương đương 1 USD/101,41 yen và 1 USD/0.8753 franc.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết số công nhân Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm 32.000, chỉ còn khoảng 300.000 người. Đây là số lượng người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp nhất trong một tuần kể từ tháng 5/2007, thời điểm trước khi nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái 2007-2009.
Trong tháng Hai và tháng Ba, trung bình mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra được 195.000 việc làm mới, giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,7% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua./.
(TTXVN/VIETNAM+)