Chứng khoán Mỹ nối dài chuỗi tăng điểm sang tuần thứ tám liên tiếp

Đầu phiên cuối tuần 22/12, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm sau số liệu cho thấy lạm phát tại nước này đang giảm dần về mức mục tiêu của Fed.
Sàn giao dịch New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận tuần tăng điểm thứ tám liên tiếp giữa lúc giới đầu tư sắp bước vào kỳ nghỉ Giáng Sinh, sau khi số liệu lạm phát thấp hơn dự đoán đã củng cố những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào năm mới.

Đầu phiên cuối tuần 22/12, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm sau số liệu cho thấy lạm phát tại nước này đang giảm dần về mức mục tiêu của Fed.

Nhưng sau đó, trong khi chỉ số Nasdaq và S&P 500 vẫn duy trì ở vùng tăng điểm, thì chỉ số Dow Jones lại giảm xuống, vì nhiều nhà giao dịch muốn tạm rút khỏi thị trường trước thềm kỳ nghỉ lễ dài ngày, trong bối cảnh các nguy cơ địa chính trị đang gia tăng.

Khép lại phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 18,38 điểm, hay 0,05%, xuống 37.385,97 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 ghi thêm 7,88 điểm, hay 0,17%, lên 4.754,63 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,11 điểm, hay 0,19%, lên 14.992,97 điểm.

Tính chung cả tuần qua, cả ba chỉ số trên đều ghi nhận tuần tăng điểm thứ tám liên tiếp. Đây là chuỗi khởi sắc dài nhất đối với chỉ số S&P 500 kể từ cuối năm 2017. Hiện S&P 500 chỉ còn cách mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại 4.796,56 điểm xác lập vào tháng 1/2022 gần 1%. Còn với Nasdaq và Dow Jones, đây là chuỗi tăng điểm liên tiếp dài nhất kể từ đầu năm 2019.

Một loạt số liệu vừa được công bố trước thềm kỳ nghỉ Giáng Sinh. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cho thấy lạm phát tiếp tục giảm dần và tiến gần đến mức mục tiêu 2% của Fed.

Bên cạnh đó, số đơn đặt hàng mới với hàng hóa vốn cốt lõi đã ở mức cao hơn dự đoán của giới phân tích, một chỉ báo tích cực cho các kế hoạch chi tiêu của doanh nghiệp.

Các số liệu nói trên củng cố các quan điểm cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 3/2024 và kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm”, tức kiềm chế được lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường tài chính đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Ba tới là 74,1%.

Trước đó trong tuần này, chứng khoán Mỹ đã tăng liên tiếp trong hai phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư lạc quan về khả năng Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ ngày 20/12 đã phải chịu một đợt sụt giảm hiếm hoi sau khi thị trường tăng cao liên tục kể từ cuối tháng 10/2023. Nhưng sau đợt sụt giảm ngắn ngủi này, cả ba chỉ số chính đều phục hồi và khép phiên với mức tăng khoảng 1% trong phiên 21/12.

Chứng khoán Mỹ đã tăng cao hơn kể từ cuối tháng 10, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và Fed phát đi tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Giai đoạn sôi động hiện tại cũng diễn ra trong thời kỳ thị trường mạnh mẽ theo mùa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục