Hàng loạt nhóm cổ phiếu giảm sàn và không còn nhóm nào có thể dẫn dắt, kích hoạt để thị trường hồi phục. Thị trường giảm rất mạnh trong thời gian gần đây, nhưng dòng tiền ngoại lại không ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam.
Hôm nay đã là phiên thứ 6 liên tiếp khối ngoại mua ròng mạnh, đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, khối ngoại mua ròng 1.694,69 tỷ đồng trên HOSE; 68,83 tỷ đồng trên HNX và 11,12 tỷ đồng trên UPCOM. Các mã được mua ròng mạnh là STB với hơn 336,5 tỷ đồng, tiếp đến HPG được mua ròng hơn 168,43 tỷ đồng, SSI được mua ròng hơn 155 tỷ đồng.
Chốt phiên 14/11, VN-Index giảm 13,49 điểm xuống 941,04 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 666 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.449 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng giá, 370 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 6,36 điểm xuống 183,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 66,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 762,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 37 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 24 mã đứng giá.
[Chứng khoán Việt Nam phiên 11/11: Khối ngoại mua ròng 2.540 tỷ đồng]
UPCOM-Index giảm 1,81 điểm xuống 66,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 66,81 triệu đơn vị, tương ứng trên 449,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng giá, 217 mã giảm giá và 31 mã đứng giá.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí, hóa chất, xây dựng và vật liệu... đua nhau giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ còn 3 mã tăng giá. Tất cả các mã ngân hàng còn lại đều giảm giá; trong đó, EIB và KLB giảm kịch sàn. Bên cạnh đó, nhóm bảo hiểm ngập trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu VN30 có tới 20 mã giảm giá và chỉ có 10 mã tăng giá. Các mã tăng giá có thể kể đến như CTG, STB, VIC, VJC, VNM, VRE, KDH, MSN tạo lực nâng đỡ thị trường chung.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định áp lực bán tháo, giải chấp vẫn gia tăng lên trong quá trình thị trường giảm điểm. Tâm lý nhà đâu tư vẫn tiêu cực, tê liệt với tình trạng bán tháo xảy ra trong 6 tuần liên tiếp.
Thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa.
Trên thế giới, việc lạm phát tại Mỹ giảm nhẹ đã đủ để lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm giảm 33 điểm cơ bản trong tuần và đồng USD giảm gần 4%, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ khi tỷ giá bắt đầu được thả nổi hơn 50 năm trước.
Tuy nhiên, việc các điều kiện tài chính được nới lỏng như vậy không hoàn toàn được Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller hoan nghênh, khi cho rằng cần một loạt các báo cáo tích cực để có thể giảm sức ép đối với Fed.
Ông Waller nói thêm rằng các thị trường đã quá lạc quan trước số liệu lạm phát, dù ông khẳng định Fed có thể bắt đầu xem xét việc tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn.
Fed được cho là sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 12 tới và tăng 25 điểm tại hai cuộc họp sau đó, lên mức cao nhất là 4,75-5%.
Trong khi đó, các nhà giao dịch cũng đang chờ xem liệu các thị trường chứng khoán Trung Quốc có duy trì được đà phục hồi hay không trước thông tin các nhà chức trách đã yêu cầu các tổ chức tài chính tiếp tục hỗ trợ các công ty bất động sản./.