Trong bối cảnh hầu hết các nhóm cổ phiếu ở chiều giảm giá thì nhóm cổ phiếu dầu khí hôm nay có phiên ngược dòng tăng mạnh.
Chốt phiên giao dịch 9/2, PVD tăng kịch trần, PVC tăng 5,9%, PVS tăng 3,4%, PVB tăng 3,3%, BSR tăng 3,1%, OIL tăng 2,3%, PTV tăng 2,2%, PLX tăng 1,9%.
Thực tế, cổ phiếu ngành dầu khí được hỗ trợ tích cực từ thông tin giá dầu tăng liên tiếp nhiều phiên. Cụ thể phiên 8/2, giá dầu thế giới tăng phiên thứ ba liên tiếp, khi các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn với phát biểu gần đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Phát biểu “dịu giọng” hơn của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 7/2 đã giúp thúc đẩy các tài sản rủi ro và gây sức ép lên đồng USD. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến các mặt hàng định giá bằng đồng tiền này - như dầu mỏ - trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ loại tiền tệ khác.
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,40 USD lên 85,09 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,33 USD lên 78,47 USD/thùng.
Các nhà đầu tư hy vọng việc Mỹ giảm tốc chương trình tăng lãi suất sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được suy giảm kinh tế hoặc thậm chí suy thoái, vốn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chấm dứt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 cũng là nhân tố hỗ trợ nhu cầu nhiên liệu.
Chuyên gia Stephen Brennock của Công ty môi giới dầu mỏ PVM cho rằng nhu cầu dầu tăng cao hơn trong khi tăng trưởng nguồn cung toàn cầu yếu sẽ đảm bảo củng cố sự cân bằng trên thị trường dầu trong những tháng tới.
[Khối ngoại mua ròng, cổ phiếu ngành thép tăng mạnh phiên 8/2]
Về nguồn cung, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, tuần trước đã quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng. Một quan chức Iran ngày 8/2 cho biết liên minh này có thể sẽ tuân thủ chính sách hiện nay tại cuộc họp tiếp theo.
Trở lại diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng diễn biến khá tích cực khi chỉ còn duy nhất BMI giảm giá. Các mã như AIC tăng kịch trần, BIC tăng 3%, VBNR tăng 2,1%. Các mã BVH, MIG và ABI tăng nhẹ.
Ở chiều tiêu cực, cổ phiếu VN30 chìm trong sắc đỏ khi có tới 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có 7 mã tăng giá. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu vào những phút cuối phiên giao dịch. Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Sau nhiều phiên mua ròng liên tiếp, hôm nay khối ngoại đã đảo chiều bán ròng. Khối ngoại bán ròng tới gần 56 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng hơn 11 tỷ đồng trên HOSE và 5,14 tỷ đồng trên HNX.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/2, VN-Index giảm 8,19 điểm xuống 1.064,03 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt gần 474 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.222 tỷ đồng. Toàn sàn có 178 mã tăng giá, 217 mã giảm giá, 73 mã đứng giá.
HNX-Index tăng nhẹ 0,29 điểm lên 210,91 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 46,2 triệu đơn vị, tương ứng trên 743 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng, 67 mã giảm và 61 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,82 điểm lên 77,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 34,3 triệu đơn vị, tương ứng gần 511 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã tăng giá, 88 mã giảm giá và 71 mã đứng giá./.