Chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần, sau khi những bình luận từ một số quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng địa chính trị leo thang đã làm giảm khẩu vị rủi ro của giới đầu tư, trong khi các nhà giao dịch cũng thận trọng trước thời điểm Mỹ công bố số liệu về việc làm.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Tokyo giảm 960,90 điểm, tương đương 2,42%, xuống còn 38.812,24 điểm.
Trong khi đó, chỉ số giá chứng khoán Tokyo, thường được gọi là TOPIX, cũng hạ 49,53 điểm, tương đương 1,81%, xuống còn 2.682,47 điểm.
Đây là mức thấp nhất được ghi nhận trong ba tuần, khép lại tuần giao dịch tồi tệ nhất của chỉ số Nikkei 225 kể từ tháng 12/2022.
Bên cạnh những yếu tố địa chính trị, chứng khoán Nhật Bản cũng sụt giảm do biến động của đồng yen so với đồng USD khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng Index của Hong Kong (Trung Quốc) cũng giảm 1,18 điểm xuống còn 16.723,92 điểm. Các thị trường chứng khoán tại Trung Quốc đại lục đóng cửa nghỉ lễ.
Cũng trong phiên 5/4, nguy cơ gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột Trung Đông kéo dài đã khiến giá dầu Brent kỳ hạn duy trì ở ngưỡng trên 90 USD/thùng.
Chiến lược gia ngoại hối cấp cao Rodrigo Catril tại Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết: “Giá dầu tăng đột biến trong bối cảnh căng thẳng Israel-Iran gia tăng”.
Chỉ số MSCI (Morgan Stanley Capital International) khu vực châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản, loạt chỉ số thị trường được sử dụng rộng rãi nhằm đo lường hiệu suất của thị trường chứng khoán, đã giảm 0,66%, nối gót chứng khoán Phố Wall do tâm lý lo ngại rủi ro chi phối thị trường.
Bên cạnh đó, tâm lý chờ đợi cũng khiến các nhà giao dịch không mấy hứng thú với việc tham gia vào thị trường.
Một loạt dữ liệu kinh tế vững chắc của Mỹ được công bố trong tuần này đã làm dấy lên những đồn đoán về tốc độ và quy mô nới lỏng của Fed.
Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đang hạ nhiệt và những bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này đã củng cố quan điểm rằng việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch 5/4, tại thị trường Việt Nam, VN-Index giảm 13,14 điểm về 1.255,11 điểm, HNX-Index giảm 2,76 điểm về 239,68 điểm.
Giá dầu hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp
Giá dầu nối dài đà tăng trong phiên 5/4 tại thị trường châu Á, trước những lo ngại về căng thẳng địa chính trị tại châu Âu và khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, những yếu tố như xu hướng các nhà sản xuất lớn tiếp tục cắt giảm sản lượng và dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – cũng thúc đẩy đà tăng giá của “vàng đen.”
Cụ thể, trong chiều 5/4, giá dầu Brent Biển Bắc có lúc tăng 59 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên 91,24 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng tăng 43 xu, lên 87,02 USD/thùng.
Trước đó, cả dầu Brent và dầu WTI đều chạm mốc cao nhất kể từ tháng 10/2023 trong phiên 4/4.
Hai nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari của ngân hàng ANZ cho biết trong một báo cáo: “Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn do bối cảnh kinh tế tích cực hơn cùng với việc nguồn cung bị thắt chặt và rủi ro địa chính trị gia tăng.”
Ngân hàng ANZ đã nâng mục tiêu giá dầu Brent trong vòng 3 tháng tới lên mức 95 USD/thùng.
Giá dầu Brent và WTI đang hướng tới mức tăng hơn 4% trong tuần này, ghi dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, sau khi căng thẳng Trung Đông leo thang.
Một quan chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết hôm 4/4 rằng các khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp diễn có thể làm gián đoạn hơn 15% công suất của Nga, ảnh hưởng đến sản lượng nhiên liệu của nước này.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC+, đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu và kêu gọi một số nước tuân thủ lộ trình cắt giảm sản lượng.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Việc tiếp tục tuân thủ sẽ khiến sản lượng tiếp tục giảm trong quý 2.” Triển vọng về một thị trường thắt chặt hơn sẽ khiến lượng hàng tồn kho giảm.
Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng vững chắc ở mức 1,4 triệu thùng/ngày (bpd) trong quý đầu tiên.
Các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan cho biết “các chỉ số của chúng tôi ước tính rằng nhu cầu tiêu thụ dầu trong tháng 3 đạt trung bình 101,2 triệu thùng/ngày, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với các ước tính đã công bố.”
Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ để tìm kiếm thêm manh mối về “sức khỏe” kinh tế Mỹ và định hướng chính sách tiền tệ của nước này./.
Giới chức Fed ngày càng thận trọng hơn về triển vọng hạ lãi suất
Các quan chức của Fed đều bày tỏ thận trọng về triển vọng chính sách của ngân hàng trung ương này trong bối cảnh những số liệu kinh tế có phần không như mong đợi trong giai đoạn gần đây.