Chứng khoán phiên 17/4: Cổ phiếu ngành nông nghiệp tăng mạnh

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch hôm nay khá ảm đạm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng rất mạnh, trở thành điểm sáng trong phiên hôm nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch hôm nay khá ảm đạm với thanh khoản thấp và các nhóm cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng rất mạnh, trở thành điểm sáng trong phiên hôm nay.

Cụ thể, cổ phiếu đầu ngành HAG có mức tăng 5,8%, các mã khác trong ngành cũng như HNG tăng 1,9%, VIF tăng 4%, BAF tăng 4,4%.

Đánh giá về triển vọng doanh nghiệp nông nghiệp, chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho rằng, giai đoạn 2023-2024 sẽ thuận lợi hơn với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho vụ mùa của các nông sản chính, chi phí vận chuyển sẽ giảm đáng kể sau khi bị gián đoạn logistics toàn cầu trong 2021-2022 và giá phân bón sẽ giảm mạnh.

Do đó, VNDIRECT kỳ vọng chỉ số giá hàng hóa thực phẩm sẽ duy trì xu hướng giảm, với giá trung bình của các sản phẩm giảm 6,1-6,7% so với cùng kỳ trong 2023, ngoại trừ dầu dừa và gạo.

[Phạt Chủ tịch HPX và người thân gần 2 tỷ đồng vì "bán chui" cổ phiếu]

Theo VNDIRECT, giá thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt dần từ quý 2 năm 2023, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thịt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn còn yếu.

Các chuyên gia cũng cho rằng giá bột sữa sẽ hạ nhiệt trong 2023 do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm và nhu cầu tiêu thụ sữa trên toàn cầu có thể yếu trong ngắn hạn.

Do vậy, các nhà sản xuất thịt và sữa sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp phục hồi trong 2023 khi áp lực từ chi phí nguyên vật liệu giảm bớt.

Giá đường trong nước sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 nhờ thuế chống bán phá giá, trong khi lượng tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ trong năm 2022 cũng giảm dần.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu gạo, nhu cầu gạo thế giới vẫn ở mức cao, Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu.

Do đó, VNDIRECT kỳ vọng giá gạo xuất khẩu và giá đường trong nước sẽ tăng 3,9% và 4 % so với cùng kỳ trong 2023, hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm tích cực với các doanh nghiệp sản xuất gạo và đường.

Trở lại diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế.

Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Nhóm dầu khí, bảo hiểm, hóa chất, xây dựng và vật liệu… chìm trong sắc đỏ.

Rổ cổ phiếu VN30 có 14 mã tăng giá, 12 mã giảm giá và 4 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index cũng tăng 1,59 điểm. Thực tế, 14 mã cổ phiếu trong rổ VN30 đóng góp lớn nhất vào việc VN-Index kết phiên trong sắc xanh.

Khối ngoại hôm nay mua ròng hơn 205,85 tỷ đồng trên HOSE; 11,46 tỷ đồng trên HNX và 2,75 tỷ đồng trên UPCOM. Các mã được mua ròng mạnh nhất là HPG đạt hơn 76,3 tỷ đồng, tiếp đến PNJ được mua ròng hơn 29,2 tỷ đồng, KBC được mua ròng gần 29 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 17/4, VN-Index tăng 0,92 điểm lên 1.053,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 435,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 8.052,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 170 mã tăng giá, 202 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,62 điểm xuống 206,63 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 840,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 88 mã tăng giá, 79 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,31 điểm xuống 78,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 21,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 323,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 134 mã giảm giá và 77 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục