Chứng khoán phiên cuối năm 2021: VN-Index tiến sát mốc đỉnh lịch sử

Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch đạt hơn 875,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 26.096,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 229 mã tăng giá, 242 mã giảm giá và 44 mã đứng ở mốc tham chiếu.
(Ảnh: Vietnam+)

Chốt phiên giao dịch ngày 31/12/2021, VN-Index tăng 12,31 điểm lên 1.498,28 điểm, tiến sát mốc đỉnh lịch sử 1.500,81 điểm lập được trước đó vào ngày 25/11. Như vậy, VN-Index đã tăng gần 36% trong năm 2021.

Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch đạt hơn 875,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 26.096,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 229 mã tăng giá, 242 mã giảm giá và 44 mã đứng ở mốc tham chiếu.

HNX-Index cũng tăng 12,34 điểm lên 473,99 điểm. Tính cả năm 2021, HNX đã tăng hơn 133,3%. Khối lượng giao dịch trên sàn HNX đạt hơn 107,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.816,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 106 mã tăng giá, 130 mã giảm giá và 57 mã đứng ở mốc tham chiếu.

UPCOM- Index tăng 1,12 điểm lên 112,68 điiểm. Tính cả năm 2021, UPCOM-Index tăng 51,3%. Khối lượng giao dịch đạt hơn 175 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.104 tỷ đồng. Toàn sàn có 287 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 78 mã đứng ở mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đông loạt tăng mạnh “kéo” VN-Index trở lại vùng đỉnh. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 22 mã tăng giá, trong khi chỉ có 8 mã giảm giá. Các mã tăng giá mạnh có thể kể đến như: VIC, VHM ,VNM, SAB, VJC, PNJ, NVL, MWG, HPG, BVH...

[Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất năm 2021 của chứng khoán Việt Nam]

Bên cạnh đó, động lực tăng điểm lớn đến từ nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã giảm giá là VBB và EIB. Tất cả các mã còn lại đều ở chiều tăng giá; trong đó, VIB tăng hết biên độ lên giá trần. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí và chứng khoán chìm trong sắc đỏ.

Về diễn biến khối ngoại, khối này mua ròng 117,37 tỷ đồng trên HOSE và 12,48 tỷ đồng trên HNX. Trên thị trường UPCOM, khối ngoại cũng mua ròng 19,77 tỷ đồng.

Tuy nhiên tính chung cả năm 2021, khối ngoại bán ròng kỷ lục lịch sử. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt mức kỷ lục nhưng không đủ để thành một câu chuyện lớn. Lý giải về nhận định này, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đưa ra 2 nguyên nhân chính.

Năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD; trong đó, rút ròng khoảng 1,2 tỷ USD tăng, mức không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Đồng thời, dữ liệu này cũng cho thấy rằng, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng nhưng vẫn giữ tiền khá nhiều tại thị trường trong nước.

Đến thời điểm hiện tại, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Hiểu đơn giản, rút ròng nhưng tài sản trên thị trường chứng khoán của họ vẫn tăng.

"Với việc vốn ngoại rút ròng không đáng lo ngại và dòng tiền nội trỗi dậy mạnh mẽ, thị trường chứng khoán đã có những phiên giao dịch bùng nổ," ông Dũng nhận định.

Nhận định thị trường cho năm 2022, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho rằng, hiện nay, nguy cơ lạm phát đến trực tiếp từ chính sách tiền tệ chưa nhiều, nhưng gián tiếp đã nhiều hơn. Ví dụ như giá dầu, giá vận chuyển… khiến chi phí doanh nghiệp tăng và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang chững lại. Cụ thể, hơn 80% doanh nghiệp niêm yết vẫn có lãi, tuy nhiên trong quý 2/2021, lợi nhuận doanh nghiệp tăng 67%; đến quý 3/2021 chỉ tăng trưởng 33% so với cùng kỳ.

Ông Dũng cũng tỏ ra lo lắng về dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đối với biến chủng Omicron vừa xuất hiện tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục