Chứng khoán phố Wall giảm sâu, sàn NYSE tạm thời đóng cửa từ ngày 23/3

Intercontinental Exchange Inc, cơ quan chủ quản Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), cho biết NYSE sẽ tạm thời đóng cửa và chuyển hoàn toàn sang giao dịch điện tử bắt đầu vào ngày 23/3.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.(Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến đà bán tháo trong phiên giao dịch ngày 18/3 và chỉ số Dow Jones đã gần như “xóa sạch” nỗ lực đi lên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức năm 2017, giữa bối cảnh sự lây lan mạnh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa làm tê liệt các hoạt động kinh tế.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.338,46 điểm (6,3%) xuống 19.898,92 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 131,09 điểm (5,18%) xuống 2.398,1 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 344,94 điểm (4,7%), đóng cửa ở mức 6.989,84 điểm.

Ba chỉ số chủ chốt đều giảm điểm mạnh trong phiên này, cho dù biên độ giảm đã thu hẹp vào cuối phiên sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trị giá 104 tỷ USD với các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2.

Đây là gói hỗ trợ thứ hai mà Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh ngày càng có những lo ngại về sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Mỹ khiến nền kinh tế nước này có khả năng rơi vào suy thoái.

Sau khi được thông qua, gói hỗ trợ này dự kiến sẽ nhanh chóng được Tổng thống Trump ký duyệt.

Ngoài ra, một động thái khác khiến nhà đầu tư thêm lo ngại là việc Intercontinental Exchange Inc, cơ quan chủ quản Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), cho biết NYSE sẽ tạm thời đóng cửa và chuyển hoàn toàn sang giao dịch điện tử bắt đầu vào ngày 23/3 tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

[Chứng khoán Mỹ tăng trở lại sau ngày "đen tối nhất" kể từ năm 1987]

Trong bối cảnh sân bay và các khách sạn vắng khách, các hãng hàng không yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương để hạn chế thua lỗ, nhóm cổ phiếu ngành hàng không thuộc S&P đã giảm 20,8% trong phiên này.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của các nhà điều hành khách sạn lớn như Hilton, Marriott và Hyatt đã giảm khoảng 12% đến 19%.

Như vậy, tính tới lúc đóng cửa phiên 18/3, chỉ số Dow Jones chỉ tăng 0,4% so với ngày 20/1/2017, thời điểm nhậm chức của Tổng thống Trump, mặc dù nó vẫn tăng gần 9% kể từ khi ông Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11/2016.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần bảy năm qua, giữa lúc các biện pháp kích thích kinh tế gần đây không thể xoa dịu các nhà đầu tư đang tìm cách bán tháo cổ phiếu khi đối mặt với dịch COVID-19.

Kết thúc phiên này, chỉ số STOXX 600 giảm 3,9%, chỉ số Euro Stoxx 50 cũng hạ 4,6%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 và ghi dấu phiên giảm thứ 9 trong 10 phiên vừa qua.

Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 4,6%, trong khi chỉ số DAX 30 và CAC 40 của Đức và Pháp đồng loạt hạ 4,5%.

Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có trụ sở tại Frankfurt (Đức) đã họp bất thường tối 18/3 để đưa ra những biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch COVID-19.

ECB sẽ tung ra chương trình khẩn cấp mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020.

ECB cũng cam kết hỗ trợ mọi công dân trong Eurozone vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời sẽ đảm bảo để mọi thành phần (dù là các hộ gia đình, các công ty, ngân hàng hay các chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính để giảm cú sốc do dịch COVID-19 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục