Chứng khoán và giá vàng tại thị trường châu Á tăng giảm trái chiều

Chứng khoán tăng điểm trở lại nhờ các biện pháp phong tỏa nhằm giảm lây lan COVID-19 được nới lỏng thì giá vàng lại giảm nhẹ xuống còn 1.704,48 USD/ounce.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh minh họa. Kyodo/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch chiều 29/4, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dần được nới lỏng, song đà tăng phiên này vẫn bị giới hạn bởi những lo ngại rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể châm ngòi cho một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,4% lên 2.822,44 điểm lúc đóng cửa, trong khi chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong khép phiên tăng 0,3% lên 24.643,59 điểm. Thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.

Các thị trường chứng khoán Sydney, Mumbai, Đài Bắc, Manila đều tăng hơn 1% và Singapore tăng 0,1%. Thị trường Seoul, Kuala Lumpur, Jakarta và Bangkok cũng tăng điểm phiên này.

Chuyên gia Stephen Innes thuộc trung tâm AxiCorp cho rằng, việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã mang lại nhiều hy vọng cho giới đầu.

Kết thúc phiên giao dịch 29/4 tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,9 điểm (0,25%) lên 769,11 điểm; HNX-Index tăng 0,35% lên 106,63 điểm.

[Giá dầu tại châu Á đi lên sau khi Mỹ công bố báo cáo dự trữ]

Trong khi đó, giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ trong phiên giao dịch 29/4, khi sự lạc quan của giới đầu tư trước việc các nước triển khai kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản rủi ro, giữa lúc giới giao dịch chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vào lúc 16 giờ 20 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 0,2% xuống còn 1.704,48 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,2% xuống 1.719,20 USD/ounce.

Theo nhà phân tích Carsten Menke của ngân hàng đầu tư Julius Baer, một số nước dự định nới lỏng lệnh phong tỏa vốn áp dụng trong thời gian qua để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, và điều này đã tác động tới giá vàng.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách lãi suất của Fed. Cơ quan này đã cắt giảm lãi suất và khôi phục chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế trong nước trước các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi số liệu chính thức về tăng trưởng kinh tế của Mỹ, dự kiến được công bố vào tối 29/4 (giờ địa phương). Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nhóm họp trong ngày 30/4.

Giá vàng được xem là một kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn bất ổn kinh tế, chính trị và thường “hưởng lợi” từ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo trưởng chiến lược gia thị trường Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính AxiCorp, đà giảm của giá vàng bị hạn chế, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay khiến nhiều nước áp dụng mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, từ đó giúp củng cố vị thế kênh đầu tư an toàn của vàng.

Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium tăng 2,2% lên 1.958,23 USD/ounce, giá bạch kim nhích 0,1% lên 772,79 USD/ounce và giá bạc tăng 0,1% lên 15,20 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 23 phút, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,85-48,50 triệu đồng/lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục