Chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN

Phát triển từ quan hệ đối thoại thành quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc và ASEAN chuẩn bị nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Ảnh minh họa. (Nguồn: aseanbriefing.com)

Tờ Jakarta Post đăng bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Đặng Tích Quân về quan hệ Trung Quốc-ASEAN, trong đó nhận định quan hệ đối tác đối thoại Trung Quốc-ASEAN được thiết lập từ năm 1991.

Trong 30 năm qua, tuy là một chặng đường ngắn trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng là một chương sử vinh quang, được tô đậm bởi tình hữu nghị và sự hợp tác.

Phát triển từ quan hệ đối thoại thành quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc và ASEAN chuẩn bị nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là mối quan hệ năng động, thực chất và có ảnh hưởng nhất trong toàn bộ khu vực.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc và ASEAN đã thúc đẩy sự tin cậy chiến lược lẫn nhau và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp. Lãnh đạo hai bên đã duy trì liên lạc chặt chẽ thông qua nhiều hình thức. Trong những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm 10 nước thành viên ASEAN và nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo các nước ASEAN, thảo luận tiến trình quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Nhìn lại "chặng đường" 30 năm

Trao đổi chiến lược trong các vấn đề lớn giữa hai bên được thực hiện thường xuyên thông qua cơ chế đối thoại nhiều cấp. Với cam kết chung về chủ nghĩa đa phương, Trung Quốc và ASEAN cùng duy trì cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cởi mở và bao trùm. Hai bên đã cùng nhau bảo vệ hòa bình, sự ổn định của khu vực và giải quyết phù hợp những khác biệt như vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn. Trong hơn 30 năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã dành cho nhau sự hỗ trợ rất cần thiết trong những giai đoạn khó khăn.

Cả hai bên đã hợp tác cùng nhau để vượt qua từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sự bùng phát dịch SARS năm 2003, dịch cúm gia cầm năm 2004 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ các nước ASEAN. Các trang thiết bị cần thiết và khẩn cấp phòng chống COVID-19 đã được cung cấp liên tục, kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và kiểm soát đã được chia sẻ và hợp tác được tăng cường trong công tác nghiên cứu và phát triển, cung cấp và sản xuất vaccine. Trung Quốc và ASEAN tự hào thể hiện một hình mẫu chuẩn mực về hợp tác quốc tế trong phòng chống đại dịch COVID-19.

Trong 30 năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã thúc đẩy hợp tác theo định hướng phát triển vì lợi ích chung. Thương mại hai chiều tăng từ 8,36 tỷ USD năm 1991 lên 685,28 tỷ USD vào năm 2020 và đạt tổng cộng 630,5 tỷ USD trong ba quý của năm nay. Năm ngoái, Trung Quốc và ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.

Với dân số 2 tỷ người, Trung Quốc và ASEAN đại diện cho một thị trường tiêu dùng khổng lồ và là khu vực thương mại tự do lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cùng với các thỏa thuận thương mại khác, được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng lớn cho hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-ASEAN.

[Bước nhảy vọt trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc sau 30 năm]

Trong 30 năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã đưa người dân xích lại gần nhau hơn. Năm 2019, 65 triệu lượt khách đi lại giữa Trung Quốc và ASEAN, gần 4.500 chuyến bay hàng tuần qua lại giữa hai bên. Các cơ chế giao lưu tiếp tục được mở rộng trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, nghiên cứu và báo chí. Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch, hoạt động giao lưu nhân dân ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Theo Đại sứ Trung Quốc Đặng Tích Quân Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai bên nhằm xây dựng quá khứ và lập kế hoạch cho tương lai. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và ASEAN mong ;muốn làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, tăng cường hợp tác và vạch ra con đường phía trước của hai bên.

Thiện chí của Trung Quốc

Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN, Trung Quốc và ASEAN đã quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây được coi là một dấu mốc mới trong mối quan hệ giữa hai bên và sẽ tiếp thêm động lực mới cho hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng mang tên "Chung vận mệnh, cùng tạo mái nhà chung." Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại, Trung Quốc và ASEAN đã chứng kiến sự phát triển sâu sắc của toàn cầu hóa kinh tế và những thay đổi lớn của cục diện quốc tế. Đây cũng là giai đoạn Trung Quốc và ASEAN nắm bắt thời cơ và thực hiện bước phát triển nhảy vọt trong quan hệ. Cả Trung Quốc và ASEAN đi đầu trong hội nhập kinh tế Đông Á, thúc đẩy sự thịnh vượng phát triển chung, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhắc đến những thành tựu của hợp tác Trung Quốc-ASEAN trong 30 năm qua, được hưởng lợi ích từ sự gần gũi về địa lý và điều kiện tương thông sâu sắc giữa hai bên. Trung Quốc là nước đầu tiên trong số các đối tác đối thoại của ASEAN tham gia "Hiệp ước hợp tác thân thiện ở Đông Nam Á." Hai bên luôn tập trung vào chủ đề phát triển, đi đầu trong việc thiết lập các khu thương mại tự do, xây dựng các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" và cùng thúc đẩy ký kết RCEP.

Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ kiên định coi ASEAN là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, ủng hộ sự đoàn kết của ASEAN và xây dựng cộng đồng chung ASEAN, ủng hộ vị trí trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, ủng hộ vai trò to lớn hơn của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trung Quốc sẵn sàng khởi động sáng kiến hợp tác "Lá chắn y tế Trung Quốc-ASEAN", trong đó có việc cung cấp thêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 hỗ trợ miễn phí cho các nước ASEAN. Trung Quốc cũng bổ sung 5 triệu USD cho Quỹ chống dịch ASEAN, tăng cường chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine chung, triển khai hợp tác nghiên cứu các loại thuốc chủ lực, nâng cao mức bảo đảm chủ động của ASEAN. Trung Quốc sẽ giúp ASEAN tăng cường xây dựng hệ thống y tế công cộng cơ sở và đào tạo nhân tài, nâng cao năng lực ứng phó với các sự kiện y tế công cộng lớn đột phát.

Sáng kiến phát triển toàn cầu mà Trung Quốc đưa ra cách đây không lâu phù hợp nhu cầu phát triển của các nước ASEAN, có thể tăng hiệu quả phối hợp với "Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025." Trung Quốc sẵn sàng cung cấp 1,5 tỷ USD trong 3 năm tới để hỗ trợ các nước ASEAN chống lại dịch bệnh và khôi phục kinh tế, sẵn sàng thực hiện hợp tác phát triển quốc tế với ASEAN, ủng hộ thiết lập mạng lưới tri thức phát triển Trung Quốc-ASEAN, tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển cân bằng và bao trùm.

Trung Quốc chuẩn bị phát huy toàn diện tác dụng của RCEP và sẽ sớm khởi động Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0, trong đó nâng cao mức độ tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số và kinh tế xanh, cùng xây dựng khu vực phát triển đổi mới-sáng tạo kinh tế thương mại. Trung Quốc có thị trường nội địa rộng lớn, luôn mở cửa với các nước ASEAN, sẵn sàng nhập khẩu nhiều hơn nữa sản phẩm chất lượng cao từ các nước ASEAN, bao gồm phấn đấu nhập khẩu 150 tỷ USD hàng nông sản từ ASEAN trong 5 năm tới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở rộng khu trình diễn phát triển chất lượng cao về hợp tác năng lực sản xuất quốc tế trong khuôn khổ BRI, hoan nghênh các nước ASEAN cùng tham gia xây dựng con đường thương mại trên bộ và trên biển quốc tế. Trung Quốc sắp khởi động kế hoạch nâng cấp đổi mới-sáng tạo khoa học và công nghệ, cung cấp cho ASEAN 1.000 công nghệ ứng dụng tiên tiến, đồng thời hỗ trợ 300 nhà khoa học trẻ ASEAN sang Trung Quốc trao đổi trong 5 năm tới. Nước này đề xuất triển khai các cuộc đối thoại về quản trị số và làm sâu sắc thêm việc ứng dụng sáng tạo của công nghệ kỹ thuật số.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành đối thoại về ứng phó biến đổi khí hậu với ASEAN, tăng cường trao đổi chính sách và chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các kế hoạch phát triển bền vững. Hai bên cần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong khu vực, tìm hiểu việc thành lập các trung tâm hợp tác năng lượng sạch và tăng cường chia sẻ công nghệ năng lượng tái tạo.

Trung Quốc sẵn sàng khởi động Kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp xanh Trung Quốc-ASEAN, nâng cao tính bền vững và tính bền bỉ của phát triển nông nghiệp các nước. Cần tăng cường sức sống của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ và Khoa học Hải dương Trung Quốc-ASEAN, xây dựng quan hệ đối tác kinh tế xanh và thúc đẩy sự phát triển bền vững hải dương.

Về giao lưu nhân dân, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ khởi động Chương trình Tăng cường Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Trung Quốc-ASEAN, đồng thời sẽ cung cấp 1.000 hạng mục công nghệ tiên tiến và có thể ứng dụng được cho ASEAN, hỗ trợ một chương trình cho 300 nhà khoa học trẻ từ ASEAN đến Trung Quốc trao đổi trong 5 năm tới.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, các chuyên gia phân tích Trung Quốc nhận xét quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có nghĩa là một sự hợp tác cấp cao hơn, điều sẽ có ý nghĩa toàn cầu, và điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ chia sẻ hơn nữa những lợi nhuận phát triển của mình và mở cửa thị trường của Trung Quốc cho các đối tác ASEAN.

Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu ngày 22/11 vừa qua rằng "hợp tác Trung Quốc-ASEAN trong tương lai sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực này, mà sẽ có ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu."

Chuyên gia Hứa Lợi Bình đặc biệt lưu ý đến hợp tác về năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, cũng như biến đổi khí hậu, nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ chia sẻ những công nghệ và thị trường của mình với các đối tác ASEAN và làm sâu sắc hơn sự hợp tác hiện có. Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN dự kiến sẽ trở thành một khu vực có hiệu suất tốt nhất trên toàn thế giới trong việc phục hồi sau đại dịch trong tương lai.

Tầm quan trọng của các cơ chế đa phương

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, điều quan trọng đối với Trung Quốc và ASEAN là phải nắm bắt động lực, khai thác tiềm năng trong quan hệ hai bên và xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-ASEAN chặt chẽ hơn, với một tương lai chung vì lợi ích của 2 tỷ người dân tại 11 quốc gia. Đại sứ Trung Quốc Đặng Tích Quân cho rằng hai bên có thể ưu tiên cho bốn lĩnh vực sau:

Thứ nhất, cùng nhau vượt qua đại dịch và thúc đẩy nền kinh tế khu vực. Trong đó, hợp tác vaccine có ý nghĩa đặc biệt, bao gồm các nỗ lực thúc đẩy xây dựng trung tâm sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực Đông Nam Á. Đại dịch COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng trên hành tinh. Để chuẩn bị tốt cho tương lai, cần phải nỗ lực nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp thông qua hợp tác y tế cộng đồng. Trung Quốc và ASEAN cần phải nỗ lực hết mình để thúc đẩy quá trình phục hồi toàn diện sau COVID-19, hướng tới trở lại đà tăng trưởng vững chắc, nhất là thông qua việc đảm bảo các chuỗi cung ứng công nghiệp không bị tắc nghẽn.

Thứ hai, thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng mới nhằm theo đuổi sự phát triển chung. Vấn đề then chốt để hai bên cải thiện kết nối khu vực là phối hợp tốt hơn trong các chính sách phát triển và thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) chất lượng cao. Trung Quốc và ASEAN cần đảm bảo thực hiện tốt Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN nâng cấp và thực hiện đầy đủ Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào năm tới để hình thành một khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.

Tăng trưởng theo định hướng đổi mới cũng cần có sự nỗ lực và các lĩnh vực hợp tác mới có thể là phát triển thành phố thông minh, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, năng lượng và công nghệ mới để bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tăng cường mối quan hệ nhân dân gần gũi hơn. Cần mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục, thể thao, phụ nữ và thanh niên, cũng như trao đổi cho các phương tiện truyền thông và các tổ chức tư vấn. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ trẻ của Trung Quốc và ASEAN sẽ được đào sâu hơn nữa thông qua các dự án hàng đầu như Học bổng Lãnh đạo Trẻ ASEAN-Trung Quốc, Cuộc thi làm phim ngắn về quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Diễn đàn Truyền thông ASEAN-Trung Quốc.

Thứ tư, bảo vệ công lý quốc tế thông qua đoàn kết và phối hợp. Điều hết sức quan trọng đối với Trung Quốc và ASEAN là cùng nhau bảo vệ hệ thống quốc tế với tổ chức Liên hợp quốc làm trung tâm và các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Trung Quốc và ASEAN phải cùng nhau ủng hộ "tinh thần hợp tác Đông Á" và chủ nghĩa đa phương "mang màu sắc châu Á," không chạy theo cường quyền, đồng thời duy trì một khuôn khổ hợp tác khu vực cởi mở và bao trùm.

Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 22/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận định về triển vọng quan hệ song phương, các chuyên gia nhận định rằng bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm lôi kéo khu vực ASEAN đối trọng lại với Trung Quốc, Trung Quốc vẫn có nhiều cơ hội hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế ASEAN để thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và các ngành công nghiệp địa phương như ôtô điện, trong bối cảnh các nước ASEAN đang hướng tới sự tự lực tự cường.

Trong một hội nghị qua truyền hình hôm 26/10 vừa qua, các Bộ trưởng ASEAN đã kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ của ASEAN với bên ngoài, dựa trên các nguyên tắc tăng cường tính toàn diện và vai trò trung tâm của ASEAN, như đã được nhấn mạnh trong Tầm nhìn ASEAN về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Văn kiện AOIP cho thấy AOIP, được các thành viên ASEAN đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 vào tháng 6/2019 dựa trên nguyên tắc của ASEAN về vai trò trung tâm, có tính bao trùm và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay, một số hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp riêng biệt đã được tổ chức giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và những đại diện từ các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. 

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chia sẻ qua một liên kết video tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN lần thứ 24 rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác hữu nghị và cùng có lợi với các nền kinh tế ASEAN, đồng thời kêu gọi sớm đưa RCEP đi vào hiện thực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần đầu tiên sau khoảng 4 năm. Đây là điều mà các phương tiện truyền thông nước ngoài cho biết đã phản ánh ý định của Mỹ nhằm can dự nhiều hơn với các nền kinh tế ASEAN, coi đây là chìa khóa trong chiến lược đẩy lùi Trung Quốc.

Cổ Tiểu Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam (Hainan), cho rằng sự tham gia của ông Biden cho thấy Mỹ đang cố gắng kéo các thành viên ASEAN vào "những chiến hào" chống Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sự tập trung của các nền kinh tế ASEAN vào sáng kiến AOIP phản ánh họ có xu hướng duy trì độc lập với các ảnh hưởng chính trị bên ngoài và sẵn sàng tăng cường hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc.

Chuyên gia Cổ Tiểu Tùng nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Các thành viên ASEAN cần sự ủng hộ và giúp đỡ từ Trung Quốc đặc biệt là về kinh tế. Thương mại Trung Quốc-ASEAN tăng trưởng ổn định, kể cả khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19... Tôi không thấy có bất kỳ yếu tố tiêu cực nào đối với việc phát triển hợp tác thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc."

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng trong khuôn khổ AOIP, có nhiều cơ hội để tăng cường không chỉ hợp tác Trung Quốc-ASEAN mà còn cả quan hệ đối tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác như Nhật Bản.

Nhà kinh tế độc lập Tống Thanh Huy chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu: "Ví dụ, Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác với Thái Lan, quốc gia có doanh số bán xe điện lớn nhất trong số các nền kinh tế ASEAN, để xây dựng Thái Lan thành trung tâm xe điện của ASEAN." Chuyên gia Tống Thanh Huy cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thể làm việc với các công ty Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc để khám phá thị trường bên thứ ba trong ASEAN.

Trong khi đó, Hồ Kỳ Mục, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn Gang thép Trung Quốc (Sinosteel), nói rằng về các chuỗi công nghiệp, có cả sự cạnh tranh và hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ví dụ, Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trên thượng nguồn của chuỗi công nghiệp Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như chip và linh kiện, vì vậy Trung Quốc có nhiều dư địa để hợp tác với họ.

Chuyên gia Hồ Kỳ Mục nói: "Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, nhưng đồng thời, việc nâng cấp nền công nghiệp của Trung Quốc cũng sẽ gây ra mối đe dọa cho các ngành công nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc. Mối quan hệ cạnh tranh và hợp tác giữa ba nước sẽ năng động."

Tuy nhiên, ông Hồ Kỳ Mục nhấn mạnh rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể và một thị trường rộng lớn. Ông nói: "Nếu các nước tham gia một cơ chế đa phương, những lợi ích chắc chắn sẽ nhiều hơn tác hại"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục