Chương trình "Bản hùng ca bất diệt" nhân Ngày Thương binh-Liệt sỹ

Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ đã cống hiến và ngã xuống vì nền độc lập nước nhà....
Chương trình "Bản hùng ca bất diệt" nhân Ngày Thương binh-Liệt sỹ ảnh 1Một tiết mục văn nghệ. (Ảnh minh họa: Thu Hương/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật chủ đề “Bản hùng ca bất diệt” do Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam thực hiện dự kiến sẽ diễn ra tối 25/7, tại Nghệ An; được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022); cũng là hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).

Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ đã cống hiến và ngã xuống vì nền độc lập nước nhà, các gia đình người có công với cách mạng. Các nghệ sỹ, diễn viên trong chương trình với tấm lòng thành kính và ngôn ngữ nghệ thuật sẽ tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, anh hùng trong mỗi người dân Việt Nam, tiếp tục lan tỏa đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” có thời lượng lên đến hơn 100 phút, được chia làm ba chương. Chương 1 mang tên “Bản hùng ca bất diệt;” chương 2 là “Những chiến binh bất tử” và chương 3 là “Khát vọng non sông,” có sự tham gia của khoảng 300 diễn viên chuyên nghiệp, khối quần chúng. Trong số này, nhiều nghệ sỹ gạo cội, được khán giả mến mộ sẽ thể hiện những bài hát cách mạng nổi tiếng như “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân,” “Cô gái mở đường,” “Người con gái sông La,” “Giữ trọn tình quê,” “Bình Trị Thiên khói lửa,” “Vết chân tròn trên cát,” “Cô gái Sầm Nưa”…

[Gặp mặt người có công, thân nhân liệt sỹ đang công tác trong Quân đội]

Chương trình với các ca khúc đi cùng năm tháng sẽ một lần nữa nói lên lời tri ân bằng âm nhạc, khơi gợi lại không khí lịch sử suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, thể hiện tình cảm biết ơn sâu sắc của thế hệ đi sau với những người con anh hùng của Tổ quốc.

Sắp tới, ngày 24/7, Triển lãm "75 năm đền ơn đáp nghĩa" sẽ khai mạc tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Khu triển lãm chung sẽ trưng bày các nội dung: "Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng;" "Một số hoạt động trong công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trong những năm vừa qua;" trưng bày sách, các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Thương binh-Liệt sỹ, gia đình cách mạng và người có công; triển lãm tranh cổ động "Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022)."

Bên cạnh đó là khu vực trưng bày toàn xã hội với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," "Uống nước nhớ nguồn" với các triển lãm "Công an Nhân dân-75 năm đền ơn đáp nghĩa;" "Sáng ngời đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa;" "Hà Nội-75 năm trọn vẹn nghĩa tình".../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục