Chương trình kích thích kinh tế của EU có nguy cơ bị trì hoãn

Câu hỏi làm cách nào để việc thanh toán ngân sách có thể được liên kết với việc liệu các nước nhận viện trợ có tuân thủ pháp luật hay không vẫn chưa có câu trả lời.
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Truyền thông Đức ngày 18/10 đưa tin chương trình kích thích kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nhằm chống lại cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đang đứng trước nguy cơ bị trì hoãn.

Theo tờ Thế giới (die Welt), trong nhiều tuần, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên đã đàm phám về kế hoạch ngân sách dài hạn sắp tới của EU cùng các kế hoạch tái thiết.

Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss, người thay mặt các nước thành viên đàm phán, muốn hoàn tất đàm phán vào cuối tháng này. Tuy nhiên, các câu hỏi trọng tâm vẫn chưa được trả lời và vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 20/10.

Trên thực tế, có hai vấn đề trong đàm phán cần được thống nhất, bao gồm việc các nghị sỹ đang kêu gọi bổ sung 39 tỷ euro tiền ngân sách cho các chương trình của EU như y tế, di cư và nghiên cứu châu Âu.

Vấn đề thứ hai là câu hỏi làm cách nào để việc thanh toán ngân sách có thể được liên kết với việc liệu các nước nhận viện trợ có tuân thủ pháp luật hay không vẫn chưa có câu trả lời; trong đó Hungary và một số nước khác đang phản đối kịch liệt.

[Đức: EU không có đường lùi nếu không thực hiện gói phục hồi chung]

Thời gian cho các cuộc đàm phán không còn nhiều bởi sau thỏa thuận, Quốc hội các nước thành viên phải thông qua việc Ủy ban châu Âu (EC) sẽ gánh các khoản nợ trên thị trường vốn để có tài chính sử dụng cho kế hoạch dự phòng.

Nếu các cuộc bỏ phiếu bị trì hoãn, quỹ tái thiết có thể sẽ không sẵn sàng vào tháng 1/2021 như kế hoạch.

Trước đó, ông Clauss đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp, nhưng điều này dường như không đủ với các nghị sỹ.

Các nhà đàm phán đang đưa ra lời cảnh báo rằng toàn bộ lịch trình cho việc giải ngân kịp thời gói viện trợ COVID-19 có nguy cơ thất bại.

Trong khi đó, Nghị sỹ Monika Hohlmeier - người dẫn đầu các cuộc đàm phán - nói rằng: "Chúng tôi sẽ chỉ đồng ý với một thỏa hiệp, trong đó nêu rất rõ ràng rằng việc tuân thủ các tiêu chí cơ bản của pháp quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ lợi ích tài chính của EU."

Điều này có nghĩa là phải đảm bảo về một cơ quan tư pháp độc lập, hành chính nhà nước trung lập và báo chí tự do đưa tin.

Trong khi đó, nghị sỹ đảng Xanh của Đức Daniel Freund nói rằng Chính phủ Đức đang chạy theo Thủ tướng Hungary Viktor Orbán thay vì đưa ra một đề xuất mới nhằm tìm được tiếng nói của đa số.

Nghị sỹ này nhấn mạnh “Nếu các quốc gia thành viên không thay đổi, một thỏa thuận vào cuối tháng Mười là hoàn toàn không thực tế.”

Trước đó, để giúp châu Âu phục hồi sau những hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, EC đã đề xuất một kế hoạch kích thích trị giá 750 tỷ euro, cùng một gói sửa đổi ngân sách dài hạn tiếp theo của liên minh (trong giai đoạn 2021-2027).

Kế hoạch này, được gọi là Ngân sách EU thế hệ tiếp theo, sẽ cho phép EC vay tiền trên thị trường tài chính và tận dụng mức xếp hạng tín dụng cao của mình để đảm bảo chi phí vay thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục