Theo trang mạng project-syndicate.org, người dân châu Âu ngày càng phẫn nộ trước việc Liên minh châu Âu (EU) bỏ lỡ cơ hội đặt mua thêm các liều vắcxin ngừa COVID-19 đã được phê chuẩn.
Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành của Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ - công ty có chế phẩm vắcxin được phê duyệt chỉ sau vắcxin của Pfizer/BioNTech, cho rằng EU đã phụ thuộc quá nhiều vào “vắcxin từ các phòng thí nghiệm của chính họ.”
Phải chăng Ủy ban châu Âu (EC) đã ưu tiên hỗ trợ ngành công nghiệp dược phẩm của họ hơn là bảo vệ mạng sống con người?
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Trái ngược với những gì ông Bancel nói, EU đặt hàng rất ít số lượng vắcxin được sản xuất trong khu vực.
Loại vắcxin phổ biến nhất ở phương Tây hiện nay được phát triển bởi Công ty BioNTech của Đức, và do đó, vắcxin này có thể được coi là sản phẩm của EU (cho dù có sự hợp tác với Pfizer tại Mỹ và Fosun Pharma ở Trung Quốc).
Không chỉ đặt hàng rất ít vắcxin “của Mỹ,” EU còn tụt hậu trong lúc Mỹ và các nước khác đã dự trữ một lượng lớn vắcxin được tạo ra và sản xuất trong chính các phòng thí nghiệm của Đức.
[Thanh tra châu Âu điều tra hợp đồng mua vắcxin ngừa COVID-19 của EU]
Sai lầm của EU không phải là bởi họ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, mà là do thể chế của họ thiếu linh hoạt. Việc triển khai vắcxin chậm ở nhiều nước châu Âu là kết quả của việc EU không điều phối được lợi ích của các quốc gia thành viên khác nhau.
Trong khi một số quốc gia “chùn bước” trước giá thành vắcxin mRNA của BioNTech, các quốc gia khác lại hoài nghi về nền tảng công nghệ gen mới của loại vắcxin này, và những quốc gia khác chỉ đơn giản là không nhận ra tính cấp bách của tình hình, cho rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã trôi qua.
Chắc chắn, sự cạnh tranh trong châu Âu giữa các nhà sản xuất vắcxin là nguyên nhân khiến EU không muốn đặt mua trước nhiều vắcxin của công ty Đức vào mùa hè năm ngoái, như Mỹ và các nước khác đã làm.
Với tư cách là một công ty khởi nghiệp nhỏ từ thành phố Mainz (Đức), BioNTech rõ ràng họ có rất ít cơ hội thành công trước các đối thủ là các tập đoàn dược phẩm khổng lồ trong việc thuyết phục EC.
Dù lý do là gì thì thực tế là EU đang chậm trễ trong việc việc cung cấp vắcxin cho người dân. Trong khi Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada nhanh chóng đặt trước một lượng lớn chế phẩm vắcxin của BioNTech vào tháng 7-8/2020, EU chỉ đặt hàng với Sanofi và AstraZeneca, nhưng cả hai công ty này đều thừa nhận những khó khăn trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Mãi đến tháng 11/2020 - khi báo chí bắt đầu đặt câu hỏi - EU mới đạt được thỏa thuận về lô vắcxin đầu tiên với BioNTech. Sau đó họ tiếp tục đặt mua thêm vào tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 và mở rộng các đơn đặt hàng, bao gồm cả với hãng Moderna.
Sự chậm trễ trong việc đặt hàng kéo theo việc giao hàng đến muộn. Bởi xét cho cùng, các nhà sản xuất hoạt động trên cơ sở “ai đến trước được phục vụ trước” và cần thời gian để xây dựng các cơ sở sản xuất mới.
Do đó, khi các phương tiện truyền thông châu Âu tràn ngập những hình ảnh thất vọng về các trung tâm tiêm chủng trống rỗng vì cạn kiệt nguồn cung, cùng với hình ảnh về các đơn vị chăm sóc đặc biệt trong tình trạng quá tải, điều này đã tạo nên cảm giác lo lắng trên toàn châu Âu.
Với tốc độ này, EU chắc chắn không thể bắt kịp Mỹ, Anh, Israel và các nước khác về mục tiêu tiêm chủng cho đến mùa hè năm nay.
EU có thể biện minh rằng họ đã đa dạng hóa các đơn đặt hàng từ sớm vì họ không thể biết được vắcxin của công ty nào sẽ thành công.
Nhưng đó không phải là lý do chính đáng, vì họ đã không đặt đủ sản phẩm từ bất kỳ nhà sản xuất nào để có thể tiêm chủng cho người dân của mình trong trường hợp chỉ có một đối tác thành công - đó là điều khác biệt vào thời điểm đó.
Nếu EU chấp nhận rủi ro đặt trước lượng vắcxin đủ để cung cấp cho 2/3 dân số từ mỗi nhà sản xuất trong số sáu nhà sản xuất mà họ đàm phán, thì họ sẽ chỉ cần chi 29 tỷ euro (35 tỷ USD), tương đương với thiệt hại kinh tế mà EU đã mất chỉ trong mười ngày diễn ra cuộc khủng hoảng COVID-19.
Và giả thiết rằng không phải một mà là hai trong số các đối tác đó thành công, EU sẽ dư thừa vắcxin, và họ có thể tặng lại cho khoảng 300 triệu người ở các quốc gia đang phát triển.
Sẽ không có người nào phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại về chương trình tiêm chủng của châu Âu.
Tuy nhiên, điều cần phải làm rõ là các nước thành viên EU đã sai lầm khi giao cho EC quyết định mua vắcxin vào mùa hè năm ngoái.
Điều 5 của Hiệp ước về EU quy định trong những lĩnh vực không thuộc độc quyền của mình, liên minh phải để các nước thành viên tự hành động và chỉ ra tay nếu như, và trong chừng mực, các nước thành viên không đủ khả năng thực hiện có hiệu quả.
Khi nói đến việc đảm bảo nguồn cung cấp vắcxin dồi dào, nguyên tắc này đã bị cố tình bỏ qua. Không có cơ sở pháp lý cũng như lý do kinh tế nào đủ thuyết phục cho việc lập kế hoạch tập trung mua sắm vắcxin.
Nếu chính phủ các quốc gia thành viên có thể mua vắcxin một cách độc lập và cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia khác trên toàn thế giới, họ có thể phải trả giá cao hơn một chút, nhưng sẽ đặt được hàng sớm hơn nhiều và không bỏ phí cơ hội.
Và nếu việc đặt hàng được tiến hành sớm hơn, các nhà sản xuất vắcxin sẽ có thể đầu tư nhiều hơn vào việc mở rộng năng lực sản xuất của họ.
Tóm lại, việc lập kế hoạch tập trung và vận động hành lang của các nhà sản xuất có uy tín đã gây ra sự thất bại trong chương trình tiêm chủng của châu Âu.
Người dân châu Âu giờ đây sẽ phải gánh chịu hậu quả của một thảm kịch mà đáng lẽ có thể tránh được./.