Chuyến công du của ông Pompeo xóa bỏ hoài nghi về quan hệ Mỹ-Nhật

Những hoài nghi về quan hệ Mỹ-Nhật đã giảm đáng kể sau cuộc điện đàm đầu tiên của ông Suga với Tổng thống Donald Trump và đặc biệt là sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Ngoại trưởng Mike Pompeo. (Nguồn: nippon.com)

Sau khi Thủ tướng Shinzo Abe đột ngột từ chức, không ít người tỏ ra hoài nghi về khả năng ông Yoshihide Suga, người thay thế ông Abe ở vị trí người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, có thể duy trì sự ổn định của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.

Tuy nhiên, những hoài nghi đó đã giảm đáng kể sau cuộc điện đàm đầu tiên của ông Suga với Tổng thống Donald Trump và đặc biệt là sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Nhật Bản.

Ban đầu, Ngoại trưởng Pompeo dự định sẽ có chuyến công du tới ba nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump bị nhiễm virus SARS-CoV-2, Ngoại trưởng Mỹ đã quyết định cắt ngắn lịch trình và chỉ tới thăm Nhật Bản. Điều này cho thấy Washington coi trọng việc xây dựng quan hệ với chính quyền mới ở Nhật Bản như thế nào.

Phát biểu trước các cuộc gặp quan trọng ở thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Pompeo đánh giá cao vai trò của cựu Thủ tướng Shinzo Abe trong việc xây dựng quan hệ Nhật-Mỹ “trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết," đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng xu hướng này sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Suga. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ có nhiều lý do để tin rằng ông Suga sẽ “tăng cường quan hệ đồng minh lâu dài” giữa hai nước trên cương vị mới.

Kết quả chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo tới Tokyo cho thấy việc duy trì quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật nằm trong lợi ích chiến lược của mỗi nước.

Trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Mỹ với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi kể từ ông này được tân Thủ tướng Suga tái bổ nhiệm, hai bên đã tái khẳng định về sức mạnh của quan hệ đồng minh song phương dưới thời chính quyền mới ở Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hai ngoại trưởng tái khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để đối phó với các chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, và giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980.

Ngoại trưởng Motegi đã cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh giữa hai nước. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Mỹ đi đầu trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở theo sáng kiến của cựu Thủ tướng Abe.

[Đã đến lúc Nhật Bản cần một chiến lược mới trong khu vực]

Về phần mình, Ngoại trưởng Pompeo nhất trí rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở là nền tảng của hòa bình và ổn định của khu vực này. Ông nhấn mạnh: “Nền tảng của nền tảng này là quan hệ Mỹ-Nhật, cũng như an ninh và sự thịnh vượng mà mối quan hệ này đã mang lại cho người dân hai nước trong nhiều thập niên qua."

Tại cuộc gặp sau đó với Thủ tướng Suga, Ngoại trưởng Pompeo đã một lần nữa khẳng định Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với Tokyo để giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông Pompeo khẳng định Mỹ hoàn toàn ủng hộ việc Nhật Bản đăng cai Olympic và Paralympic Tokyo vào mùa Hè năm 2021.

(Từ trái sang): Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hội nghị Ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ Kim cương ở Tokyo ngày 6/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên sau khi nhậm chức với Tổng thống Trump hôm 21/9, Thủ tướng Suga đã khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ là “nền tảng cho hòa bình và ổn định trong khu vực." Các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh an ninh Nhật-Mỹ và hợp tác với nhau để đối phó với dịch COVID-19.

Theo giới phân tích, những diễn biến trên cho thấy quá trình chuyển giao quyền lực lần đầu tiên ở Nhật Bản sau gần tám năm không ảnh hưởng gì nhiều tới quan hệ đồng minh của nước này với Mỹ.

Điều quan trọng là Washington đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản đang theo đuổi, trong đó có việc duy trì thượng tôn pháp luật, tự do đi lại trên biển và trên không, và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua việc phối hợp với các quốc gia khác.

Có thể thấy chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới Nhật Bản một lần nữa chứng tỏ hai bền đều coi trọng quan hệ đồng minh chiến lược hiện nay. Đều này cũng phù hợp với chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Suga bởi ngay từ khi tranh cử, ông đã tuyên bố sẽ “xây dựng các chính sách đối ngoại và an ninh dựa trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ."

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng việc duy trì quan hệ đồng minh ổn định với Mỹ trong thời gian tới vẫn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Thủ tướng Suga. Vấn đề hóc búa nhất mà Thủ tướng Suga sắp phải đối mặt là đàm phán với Washington về chi phí đồn trú của các binh sỹ Mỹ ở Nhật Bản.

Theo tiết lộ của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, năm ngoái, Washington đã yêu cầu Tokyo trả 8 tỷ USD/năm tiền hỗ trợ kinh phí đồn trú của quân đội Mỹ ở quốc gia Đông Bắc Á, cao gấp 4 lần so với số tiền mà Nhật Bản đang chi trả. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh ngân sách của Nhật Bản đang ngày càng eo hẹp vì các khoản chi khổng lồ để vực dậy nền kinh tế.

Vì vậy, nhiệm vụ của tân Thủ tướng Suga là làm thế nào để xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi và tin cậy với Tổng thống Trump hoặc người sẽ kế nhiệm ông này sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới, đồng thời giảm thiểu số tiền mà Nhật Bản phải chi trả thêm cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại đất nước "Mặt Trời mọc."

Bên cạnh đó, ông Suga cũng phải xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tới việc Nhật Bản hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa lớp Aegis trên bộ của Mỹ ở quốc gia Đông Bắc Á. Nếu không xử lý khéo léo, các vấn đề này có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục