Chuyến công du khẳng định lợi ích địa chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á

Giới chuyên gia đánh giá chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Harris tới Singapore và Việt Nam từ 22-26/8 một lần nữa khẳng định Mỹ là đối tác tin cậy của Đông Nam Á sau kỷ nguyên của Donald Trump.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại cuộc họp báo ở Singapore ngày 23/8/2021. (Ảnh: The Straits Times/TTXVN)

BBC, TNHK, RFI và Reuters đã đưa tin về chuyến công du Đông Nam Á kéo dài từ ngày 22-26/8 của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình hỗn loạn ở Afghanistan sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút quân khỏi đất nước này, cuộc khủng hoảng Myanmar chưa có hướng giải quyết triệt để, Trung Quốc ngày càng có những hành động hung hăng ở Biển Đông và đại dịch COVID-19 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức của bà Harris được giới chuyên gia đánh giá là để Washington chứng tỏ rằng Mỹ một lần nữa là một đối tác đáng tin cậy của khu vực này sau kỷ nguyên của ông Donald Trump.

Đông Nam Á tiếp tục là trọng tâm trong chính sách “xoay trục” của Mỹ

Liên tiếp các chuyến thăm gần đây của các quan chức Mỹ và mới nhất là của Phó tổng thống Harris đến Đông Nam Á là chỉ dấu cho thấy mức độ quan tâm sâu sắc của Mỹ đối với khu vực này.

Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ đến Singapore và Việt Nam là một phần trong chiến lược ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden ở Đông Nam Á - khu vực được Washington đánh giá là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ trong tương lai.

Ông Biden là Tổng thống Mỹ thứ ba hứa hẹn một sự tập trung mới vào khu vực này.

Tổng thống Obama từng giới thiệu chiến lược “xoay trục,” chuyển hướng chính sách ngoại giao của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương, còn Tổng thống Trump luôn nói về khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” nhằm thách thức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Cả hai chiến lược này đều không nhằm một mục đích nào khác ngoài việc đảo ngược nhận thức về sự suy giảm uy tín của Mỹ trong khu vực.

Trong các cuộc gặp với Thủ tướng và Tổng thống Singapore, bà Harris khẳng định: “Hôm nay, chúng tôi có mặt tại Singapore để nhấn mạnh và tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với đất nước này và trong khu vực này, đồng thời củng cố tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 23/8, cái tên Trung Quốc thậm chí chỉ xuất hiện ngoài lề.

Cuộc họp báo chủ yếu xoay quanh vấn đề Afghanistan. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho biết: “Cách Mỹ rút quân khỏi Afghanistan gây tổn hại đến uy tín của Washington. Nhưng về lâu về dài, uy tín đó phụ thuộc vào những gì Washington làm tiếp theo. Nếu theo dõi các chuyến thăm của ông Austin và bà Harris, việc đẩy mạnh ngoại giao vaccine trong khu vực này và dường như họ hoàn toàn dành nguồn lực cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì đây có thể là hoạt động đối ngoại tập trung hơn của chính quyền Biden, tránh xa Trung Đông và những cuộc chiến không hồi kết.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ hy vọng rằng việc rút quân cuối cùng sẽ có tác động tích cực đến tình hình chiến lược ở châu Á.

Ông nói: "Về lâu dài, điều quan trọng sau Afghanistan là Mỹ định vị lại mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như thế nào, can dự ra sao ở khu vực rộng lớn hơn và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố như thế nào.”

['Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ']

Theo nhà lãnh đạo Singapore, những điều này sẽ quyết định việc các nước trong khu vực sẽ có nhận thức ra sao đối với các ưu tiên cũng như các ý định chiến lược của Mỹ.

Một quan chức Nhà Trắng, đề nghị giấu tên, nói với AFP rằng Đông Nam Á vẫn “quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế đối với quốc gia này” do sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Haris và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) tại Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đã có một số lo ngại trong khu vực về sự thiếu quan tâm rõ ràng của chính quyền Tổng thống Biden trong 6 tháng đầu tiên nắm quyền, khi ông Biden vẫn chưa gọi điện cho nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào và dường như tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng lại mối quan hệ với châu Âu.

Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, các chuyến thăm đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã báo hiệu mức độ quan tâm sâu sắc của Mỹ đối với khu vực này.

Tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar

Tổng thống Biden đã nói rất nhiều về một nền ngoại giao “gốc rễ từ những giá trị dân chủ được trân trọng nhất nước Mỹ.”

Nhân quyền, vấn đề mà cựu Tổng thống Trump hầu như không để tâm đến, nằm trong danh sách các chủ đề sẽ được thảo luận ở Singapore và Việt Nam.

Nhưng các vấn đề nhân quyền có lẽ không xuất hiện nhiều như đã từng xuất hiện trong các phát biểu hùng hồn của cựu Tổng thống Obama trong các chuyến thăm của ông đến khu vực này.

Dù bài hùng biện của ông về cỗ xe lịch sử hướng về phía tự do đã truyền cảm hứng cho khán giả trẻ tuổi, song nó không mấy hấp dẫn đối với các chính phủ đã trở nên độc tài và ít khoan dung hơn với bất đồng chính kiến.

Bà Kamala Harris chắc chắn sẽ thúc giục các nước Đông Nam Á hành động quyết đoán hơn để giúp khôi phục nền dân chủ ở Myanmar, nhưng Mỹ vẫn nói rằng họ chấp nhận việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đi đầu trong các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Và cho đến nay, chính sách ngoại giao của ASEAN đối với Myanmar đã diễn ra với tốc độ ảm đạm.

Việc chấp nhận vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với các chính phủ trong khu vực, vốn bị suy yếu bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, và sự thống trị của cái gọi là "Bộ Tứ" (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) trong ngoại giao của Mỹ.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak nhấn mạnh: "Cơn ác mộng của ASEAN là trở nên không còn liên quan và đánh mất vai trò trung tâm trong hành động của khu vực vì hòa bình và an ninh. Điều rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên là không được để Bộ Tứ bành trướng và làm lu mờ ASEAN.”

Đẩy mạnh ngoại giao "quyền lực mềm"

Bà Harris sẽ tận dụng chuyến thăm để đề xuất quan hệ đối tác sâu hơn về các lĩnh vực trên, ví dụ thúc đẩy ý tưởng về một hiệp định thương mại kỹ thuật số giữa một số quốc gia trong khu vực, có thể bao gồm bảo mật kỹ thuật số và các tiêu chuẩn được thống nhất về các công nghệ mới nổi như AI và Blockchain.

Điều này có lợi thế là tái tham gia vào mạng lưới thương mại châu Á-Thái Bình Dương sau những thiệt hại do Tổng thống Trump đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cách đây 5 năm và trong các lĩnh vực mà Mỹ có khả năng cạnh tranh.

Điều này sẽ nhằm chống lại những bước tiến như vũ bão của Trung Quốc trong việc thúc đẩy viễn thông và công nghệ tiên tiến khác, được gọi là "Con đường Tơ lụa kỹ thuật số,” ví dụ như cơ sở hạ tầng 5G tiên tiến của Huawei làm chủ ở nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, việc Mỹ tặng 23 triệu liều vaccine COVID-19 gần đây đã khiến cho hình ảnh của Washington ở Đông Nam Á bất ngờ được cải thiện.

Bà Harris chắc chắn sẽ tận dụng chuyến thăm này để tiếp tục làm đậm nét hơn những gì đã đạt được, thông qua việc dự lễ khai trương văn phòng Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ tại Hà Nội trở thành văn phòng chính cho khu vực Đông Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục