Chuyển đổi số báo chí: Con đường tất yếu không nằm ngoài xu thế

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này, trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chuyển đổi số của báo chí Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức cả về nhận thức, công nghệ, kinh phí và nguồn nhân lực.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xem là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần định hướng, hỗ trợ, gỡ vướng cho các cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện.

Báo chí phải tự thân chuyển đổi

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Thạc sỹ Vũ Hồng Thúy, báo Pháp luật Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí dù lớn hay nhỏ đều có nhu cầu tự thân phải chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ làm báo.

Chuyển đổi số không chỉ khiến cho độc giả của báo chí thay đổi mà mô hình hoạt động của các tòa soạn cũng thay đổi. Tuy nhiên, có một thực tế là, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề con người và tư duy.

Trong số hơn 800 cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay, có tới 90% được tính là các cơ quan báo chí vừa và nhỏ. Các báo có quá trình hình thành, phát triển với những đặc thù nhất định về cơ sở vật chất là tổ chức bộ máy nhân sự đan xen giữa cũ và mới, giữa tư duy làm báo cũ và cách thức làm báo theo công nghệ mới, giữa đội ngũ nhà báo kỳ cựu, có tuổi và những phóng viên trẻ... Làm thế nào để dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí vừa và nhỏ trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt.

Thạc sỹ Vũ Hồng Thúy phân tích theo cách thức tổ chức mô hình tòa soạn, nhất là với các cơ quan báo chí nhỏ và vừa ở Việt Nam, một tòa soạn thường được chia làm nhiều phòng, ban, đứng đầu là Ban Giám đốc/Ban Biên tập hoặc Hội đồng biên tập. Các phóng viên, nhà báo cũng được đào tạo theo hướng chuyên sâu về một lĩnh vực như biên tập viên, phóng viên viết, phóng viên ảnh, quay phim, kỹ thuật viên...

Các tòa soạn lại tiếp tục phân chia phóng viên theo dõi chuyên sâu về từng lĩnh vực như phóng viên theo dõi mảng kinh tế, phóng viên theo dõi mảng văn hóa, phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp… Tuy nhiên, chuyển đổi số đã khiến cho mô hình tổ chức tòa soạn ở nhiều cơ quan báo chí thay đổi.

[Chuyển đổi số báo chí: Tạo nội lực để chuyển đổi số thành công]

Người ta đã nói nhiều đến Tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện và một phóng viên "đa di năng." Sự chuyển đổi từ phương thức tác nghiệp cũ sang phương thức tác nghiệp mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đã khiến cho nhiều Tòa soạn nhanh chóng bắt kịp sự đổi mới của báo chí nhưng cũng khiến cho nhiều nhà báo bị tụt lại phía sau.

Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Các cơ quan báo chí đều sớm hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Tuy nhiên, với đại bộ phận nhà báo vốn được đào tạo tác nghiệp với công cụ chủ yếu là máy quay/máy ghi âm/máy ảnh hoặc quyển sổ và cây bút, việc phải thích nghi để trở thành một nhà báo công nghệ, tác nghiệp trên môi trường mạng với nhiều kỹ năng cùng một lúc là cả một cản trở lớn và không phải ai cũng có thể nhanh chóng thích nghi và mong muốn. Do vậy, nhu cầu chuyển đổi số ở các tòa soạn phải bắt đầu từ người lãnh đạo. Từ yêu cầu của lãnh đạo, cả bộ máy phải vận hành theo.

Thực tế quá trình chuyển đổi số ở nhiều tòa soạn trong thời gian qua cho thấy, phần lớn các nhà báo đã quen với phương thức tác nghiệp cũ không mấy mặn mà và không theo kịp các yêu cầu mà quá trình chuyển đổi số đặt ra. Trong khi đó, phần lớn các nhà báo trong số này lại đang giữ các vị trí chủ chốt tại các tòa soạn. Bởi vậy, giải pháp mà các tòa soạn thường phải áp dụng là thống nhất về mặt nhận thức trong toàn tòa soạn về tầm quan trọng của chuyển đổi số, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt. Còn lại, việc triển khai thực tế các công việc phục vụ quá trình chuyển đổi số sẽ giao cho một bộ phận riêng, thường là những người trẻ, được đào tạo và đào tạo lại về công nghệ số.

Một khó khăn khác mà các tòa soạn cũng phải đối mặt khi tiến hành chuyển đối số là kinh phí triển khai thực hiện. Ngoài các cơ quan báo chí lớn, phần lớn các cơ quan báo chí thuộc cấp Bộ hiện nay là các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp tự hoạch toán kinh doanh, không có đủ kinh phí cho việc thường xuyên đổi mới hệ thống máy móc, cập nhật công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Nếu tiến hành một cách đơn lẻ và không có kế hoạch, các cơ quan báo chí sẽ liên tục phải đối mặt với tình trạng vừa trang bị xong, hệ thống máy móc thiết bị lại đã bị lạc hậu do công nghệ thay đổi quá nhanh.

Thời gian vừa qua, nhiều báo vừa và nhỏ nhanh chóng lên kế hoạch bắt tay vào chuyển đổi số với kỳ vọng đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển hệ thống báo chí đa phương tiện, nhanh chóng khẳng định thứ hạng trên hệ thống báo chí Việt Nam và tăng doanh thu, nhưng không lâu sau đó, các báo này đã không đủ kiên trì tiếp tục đầu tư phát triển báo chí đa phương tiện do không đủ nhân lực, kinh phí và do nguồn thu tăng lên không đáng kể cho với kinh phí bỏ ra. Ngược lại, nhiều báo lại không mặn mà gì với việc chuyển đổi số và cho rằng việc này không cấp bách, mặc khác, cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Thạc sỹ Vũ Hồng Thúy cho rằng giải pháp tối ưu cho quá trình chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí vừa và nhỏ là phải dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới trong quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, sự tham gia của toàn dân mới là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.

Tương tự như vậy, đối với sự chuyển đổi số báo chí, sự thống nhất về mặt nhận thức từ lãnh đạo tới phóng viên, sự vào cuộc, sự kiên trì theo đuổi con đường chuyển đổi số của cả tòa soạn mới là giải pháp đem lại thành công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả có Sáng kiến ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại năm 2021. (Ảnh: Minh Quyết - TTXVN)

Một tòa soạn không thể ngay lập tức bỏ hết cơ sở vật chất cũ để đầu tư toàn bộ máy móc thiết bị mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cũng không thể yêu cầu tất cả cán bộ, phóng viên cũ nghỉ việc hoặc chuyển công tác do không làm được báo đa phương tiện, không biết dùng công nghệ hiện đại để kết nối với độc giả; nhưng một tòa soạn cũng không thể không đổi mới. Bởi vậy, trong bối cảnh báo chí ở nước ta hiện nay, để các tòa soạn nhỏ và vừa có thể đổi mới và tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số, cần có bệ đỡ về đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực của Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Chuyển đổi số lấy độc giả là trung tâm

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị "đào thải," cần chủ động thay đổi, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ.

Hiện nay, nhiều người nói chuyển đổi số nhưng thực ra mới dừng lại ở việc số hóa, còn chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng khách hàng, thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp, trong một số trường hợp nó tạo ra mô hình hoạt động hoàn toàn mới. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi, xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn, mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm ở bên rìa.

Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy doanh thu cũng như quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên nắm bắt xu thế độc giả và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp.

Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Nhưng dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn vẫn phải luôn ghi nhớ những giá trị cơ bản của báo chí. Tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng trong mỗi bài viết là những giá trị vô cùng quan trọng và giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết, ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ báo chí chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết là cơ quan quản lý báo chí truyền thông cũng như công nghệ thông tin, ngay từ sớm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra nhiều giải pháp.

Điển hình như việc Bộ đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, theo đó hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

  Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn. (Ảnh: Hồng Giang.TTXVN)

Đồng thời, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu chung của dự thảo Chiến lược là: báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng.

Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Dự thảo Chiến lược cũng xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ báo chí chuyển đổi số thành công.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra định hướng, giải pháp xử lý bài toán nguồn lực. Trong khi chờ đợi Đề án được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định trong năm 2022 sẽ đào tạo 10.000 công chức số, viên chức số cho đất nước, riêng khối báo chí là từ 3.000-5.000 người...

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết định hướng chuyển đổi số trong cơ quan báo chí có 2 mảng rõ ràng. Một là quản trị nội bộ với những hoạt động hàng ngày, văn bản, giấy tờ giao việc, quản trị nhân sự… mảng này tách biệt và khá ổn định, mức đầu tư cũng không lớn. Mảng thứ 2 là chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý phổ biến và lưu trữ nội dung, đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Trong chương trình chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng đã có định hướng cụ thể trong vấn đề liên quan đến nền tảng cho việc sản xuất, quản lý phổ biến nội dung. Đến khi Đề án chiến lược này được thông qua, cơ quan quản lý sẽ bắt tay vào làm theo hướng chủ trương xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo sự độc lập chủ quyền trên không gian mạng.

Đầu tư ban đầu cho không gian mạng cần cơ quan Nhà nước vào cuộc. Theo đó, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng chuyển đổi số lớn dùng chung, đặc biệt là các nền tảng lớn cho một số cơ quan báo chí chủ lực, các cơ quan báo chí khác được hưởng thụ trên nền tảng đó. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào hỗ trợ các cơ quan báo chí, cùng các đơn vị để đưa ra các nền tảng dùng chung, từ đó các cơ quan báo chí sẽ có phát triển theo hướng riêng mà vẫn đảm bảo đúng định hướng... Các cơ quan báo chí chủ lực cần xây dựng đề án chuyển đổi số để được hỗ trợ kinh phí đầu tư nền tảng.

Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, Bộ sẽ có định hướng để các cơ quan này kết nối các nền tảng mà Nhà nước đầu tư cho các cơ quan báo chí lớn để sử dụng chung. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ xây dựng các nền tảng riêng dành cho cơ quan báo chí vừa và nhỏ để các đơn vị này chủ động triển khai, kết nối…

Về nguồn lực, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp để xây dựng một số nền tảng, vận hành thử nghiệm. Trên tinh thần dẫn dắt chuyển đối số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số để đảm bảo việc này hiệu quả và từng bước đứng vững.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục