Chuyên gia Brazil: Việt Nam phát triển là di sản của Hồ Chủ tịch

Chủ tịch Quỹ Maurício Grabois, thuộc Đảng Cộng sản Brazil (PCdoB), đã có bài đăng trên website của PCdoB đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 28/12/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), Chủ tịch Quỹ Maurício Grabois, thuộc Đảng Cộng sản Brazil (PCdoB) - ông José Renato Rabelo đã có bài đăng trên website của PCdoB đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng mẫu mực, bậc thiên tài có ảnh hưởng đến phong trào tiến bộ trên thế giới. Đảng Cộng sản Brazil luôn coi trọng di sản chính trị cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tác giả bài viết đã điểm lại những dấu mốc trong quá trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó nêu bật được vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tư tưởng của Người về giải phóng các quốc gia thuộc địa.

[Tư tưởng Hồ Chí Minh - Tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc]

Bài viết có đoạn: "Hồ Chủ tịch là linh hồn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những phẩm chất cao quý, đạo đức trong sáng, giản dị, liêm khiết và quyết tâm cách mạng của Người vẫn mãi là tấm gương cho các thế hệ phong trào tiến bộ và tiên tiến trên thế giới ngày nay."

Bài viết đánh giá nhận thức cơ bản trong tư duy quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quan niệm cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới là cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc.

Chiến thắng của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ đã có một tác động vô cùng to lớn đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

Giai đoạn từ năm 1954 đến cuối những năm 1960 là giai đoạn hơn 40 quốc gia trên thế giới giành được độc lập.

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đã giải phóng hơn một tỷ người ở hơn 100 quốc gia.

Theo tác giả bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển một tư tưởng lớn, đó là cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn liền với đấu tranh giải phóng xã hội, trong đó nêu bật sự cần thiết của việc vận dụng sáng tạo các lý thuyết cách mạng ở mỗi nước theo đặc thù lịch sử và văn hóa của mỗi quốc gia.

Với lý luận này, một nước nhỏ bị thống trị có khả năng chiến thắng một đế quốc thực dân hùng mạnh, hơn hẳn về mọi mặt. Hồ Chủ tịch đã nêu quan niệm kháng chiến là cuộc đấu tranh của nhân dân bị áp bức.

Vì thế, sức mạnh đoàn kết toàn dân là yếu tố cơ bản để kháng chiến thành công, ngoài các yếu tố cần thiết khác như thế mạnh, thời cơ, điều kiện địa hình, khí hậu.... Nói rộng hơn, cuộc đấu tranh cần diễn ra trên nhiều mặt trận: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao.

Ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tác giả José Renato Rabelo nêu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đề cao sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và thực tế lịch sử hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy sự đoàn kết trong tổ chức Đảng đã tạo nên sức mạnh gắn kết để lãnh đạo phong trào quần chúng.

Cùng với công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm phát triển tình đoàn kết với các nước láng giềng, với các nước xã hội chủ nghĩa và với cộng đồng quốc tế, với các phong trào dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới. Đây luôn là vấn đề sống còn trong tư duy chính trị và quân sự của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Bài viết nêu rõ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu và chiến thắng 3 đế quốc Pháp, Nhật và Mỹ, xây dựng nước Việt Nam mang hình mẫu của một nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, công nghiệp và dân chủ. Đất nước Việt Nam ngày nay đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình cao nhất thế giới trong một thập niên qua.

Kết thúc bài viết, tác giả José Renato Rabelo cho rằng trong cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới, tấm gương anh dũng đấu tranh của nhân dân Việt Nam và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Việt Nam hôm nay chính là di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục