Để đảm bảo kỳ bầu cử Quốc hội và Tổng thống Indonesia, dự kiến vào ngày 17/4 tới, diễn ra trung thực và công bằng, các chuyên gia an ninh mạng đã đề nghị Ủy ban bầu cử quốc gia Indonesia (KPU) rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin; trong đó tập trung vào công nghệ, độ bảo mật thông tin, cũng như hệ thống dữ liệu và thông tin.
Ông Pratama Persadha, cựu trưởng nhóm an ninh của Cơ quan mã hóa bảo mật an ninh công nghệ thông tin của KPU trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, cho rằng cần phải tiến hành rà soát hệ thống công nghê thông tin và Cơ quan mã hóa và mạng quốc gia (BSSN) có thể đảm trách việc này.
Ông Pershada, đồng thời là chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu bảo mật hệ thống thông tin và truyền thông (CISSReC), đã bác bỏ thông tin cho rằng KPU có một máy chủ ở nước ngoài.
[Bầu cử Indonesia: Xuất hiện video về những lá phiếu khả nghi]
Ủy viên KPU Hasyim Asy'ari cũng khẳng định tất cả các máy chủ đều ở trong nước, do đó những ý kiến cáo buộc KPU sẽ kiểm phiếu qua hệ thống công nghệ thông tin là không đúng sự thật.
Việc kiểm phiếu bằng tay sẽ được thực hiện tại các điểm bỏ phiếu và các kết quả sẽ được lưu trong biểu mẫu, sau đó sẽ được tập hợp và thống kê ở cấp huyện, tỉnh và cuối cùng là trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 17/4 tới, khoảng 192 triệu cử tri đủ điều kiện trên cả nước Indonesia sẽ đi bỏ phiếu bầu các đại biểu Hạ viện (DPR), Hội đồng Đại biểu Khu vực (DPD), các cơ quan lập pháp cấp tỉnh và thành phố. Các cử tri cũng bỏ phiếu bầu tổng thống cùng phó tổng thống liên danh.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Indonesia, có 5 cuộc tranh luận của các ứng cử viên diễn ra vào các ngày 17/1, 17/2, 17/3, 30/3 và cuối cùng là ngày 13/4. Đương kim Tổng thống Joko Widodo tranh cử tái nhiệm liên danh với ứng cử viên Maruf Amin tranh cử phó Tổng thống./.