Các nhà khoa học đã đề nghị khoan vào một khu vực được gọi là "Cổng địa ngục" ở Turkmenistan, để dập tắt ngọn lửa bốc cháy kéo dài ở đây.
"Cổng địa ngục" có tên chính thức là Mỏ khí Darvaza. Nơi này nằm trong sa mạc Karakum của Turkmenistan, với đường kính khoảng 70m. Điểm đặc biệt của mỏ khí này là nó liên tục bốc cháy không ngừng.
Năm 1971, trong khi tiến hành thăm dò địa chất tại khu vực, các nhà địa chất Liên Xô đã khoan vào một túi khí. Mặt đất bên dưới dàn khoan bị đổ sụp tạo thành một miệng hố và một lượng lớn khí methane đã thoát ra bên ngoài.
Để tránh khí rò rỉ khí gây ngộ độc, người ta đã quyết định đốt nó. Các nhà địa chất hy vọng rằng dùng lửa sẽ đốt cháy toàn bộ khí trong vài tuần, tuy nhiên đám cháy này đến nay vẫn chưa kết thúc.
Đầu năm nay, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov đã lệnh cho các chuyên gia tìm cách dập tắt ngọn lửa, vì lý do kinh tế và môi trường. Kể từ đó, các nhà khoa học Turkmenistan đã cố gắng đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.
Theo hãng tin Orient, một số nhà nghiên cứu hiện đã đề xuất khoan một giếng nghiêng vào bể khí, cũng là tác nhân đã cung cấp nhiên liệu cho "Cổng địa ngục". Họ tin rằng việc khai thác khí từ giếng nghiêng này sẽ giúp kiểm soát và dập tắt ngọn lửa tại "Cổng địa ngục"
Nhà chức trách cũng lên kế hoạch phong tỏa "Cổng địa ngục", cũng như đề nghị sự giúp đỡ của thế giới để xử lý dứng điểm ngọn lửa bốc cháy kéo dài tại khu vực này./.