Chuyên gia lý giải việc Nga không thể từ bỏ hoàn toàn đồng USD

Theo cựu Thứ trưởng Tài chính Nga Oleg Vyugin, việc Nga từ bỏ hoàn toàn đồng USD là điều không thể, bởi vì dự trữ của Nga được đầu tư vào các giấy tờ có giá trị của Mỹ.
Đồng USD. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/8, cựu Thứ trưởng Tài chính, giáo sư Trường Kinh tế cao cấp (HSE) – trực thuộc Trường Đại học tổng hợp nghiên cứu quốc gia, Liên bang Nga ông Oleg Vyugin cho rằng việc Nga từ bỏ hoàn toàn đồng USD là điều không thể, bởi vì dự trữ của Nga được đầu tư vào các giấy tờ có giá trị của Mỹ.

Nhận định trên của giáo sư Oleg Vyugin đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết để đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, Moskva đang đẩy mạnh hoạt động giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ và đồng USD với tư cách đồng tiền thanh toán.

Theo ông Ryabkov, đối với Nga điều quan trọng là xây dựng các đề án khả thi, trong đó sự phụ thuộc vào đồng USD, vào hệ thống tài chính-tiền tệ của Mỹ ít hơn.

Giáo sư Oleg Vyugin lý giải: “Thứ nhất, hiện dự trữ của Nga được đầu tư, bao gồm cả các giấy tờ có giá trị của Mỹ, không thể nào từ bỏ thanh toán bằng đồng USD. Thứ hai, cho đến nay các ngân hàng của Nga vẫn có tài khoản USD nên cũng không thể từ bỏ được đồng USD. Tất cả các thanh toán được thực hiện thông qua tài khoản đối ứng tại các ngân hàng của Mỹ, do đó khó có thể hình dung từ bỏ đồng USD trong trường hợp này."

Hơn nữa, theo giáo sư Vyugin, việc lựa chọn đồng USD hay không phải đồng USD là sự lựa chọn của các tổ chức phi chính phủ và các khách hàng của họ. Lựa chọn đồng tiền nào thì được phục vụ đồng tiền đó, còn nếu cưỡng ép hành động thì sẽ dẫn đến hậu quả tai hại. Ngoài ra, có thể giảm số lượng USD dự trữ của Ngân hàng trung ương, tăng đồng euro, tuy nhiên, biện pháp này không có nhiều khác biệt.

[Nga: Đồng ruble mạnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế]

Theo số liệu Bộ Tài chính Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2017, Nga đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ tăng 22,6 tỷ USD, tương đương 26,2%, lên 108,7 tỷ USD.

Chỉ tính riêng trong tháng 5, đầu tư của Nga vào loại trái phiếu này đã tăng 3,8 tỷ USD, tương đương 3,6%. Thị phần các giấy tờ có giá trị của Mỹ trong dự trữ của Nga tính đến hết năm 2016 đạt 23,1%. Dự trữ quốc tế của Nga tính đến ngày 28/7/2017 đạt 418,9 tỷ USD. Dự trữ của Nga đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8/2008 với 598 tỷ USD.

Vào đầu tháng 6 năm nay, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố rằng Nga sở hữu khối lượng tương đối lớn dự trữ tiền vàng và chúng được đầu tư hiệu quả, trong đó thị phần tài sản bằng đồng USD trong danh mục đầu tư tương đối bé.

Trước đó vào tháng 5, bà Nabiullina tuyên bố, mức độ dự trữ hiện nay “theo thông những thông tin thu thập được” là 400 tỷ USD, ngoài ra với điều kiện thuận lợi, lạm phát ổn định ở mức thấp và thị trường tiền tệ ổn định thì có khả năng dự trữ sẽ tăng lên đến 500 tỷ USD.

Theo giáo sư Vyugin, việc giảm phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ sau khi Nga thành lập Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK) hoàn toàn có thể nếu nói đến các thanh toán trong nước, còn thể quốc tế vẫn còn nguy cơ bị từ chối thanh toán.

Năm 2014, ngay sau khi các ngân hàng của Nga do bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nên nảy sinh vấn đề với các hệ thống thanh toán của Mỹ là Visa và MasterCard đã thành lập NSPK, hệ thống phát hành thẻ “Mir.” Khi đó, chính quyền Nga buộc phải tức tốc thành lập hệ thống thanh toán riêng. Đến cuối năm 2015, Nga phát hành thẻ thanh toán quốc gia đầu tiên mang tên “Mir” để thay thế Visa và MasterCard./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục