Chuyên gia Malaysia đề cao ý nghĩa hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ

Chuyên gia Malaysia nhấn mạnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai kể từ năm 2016, song là hội nghị đầu tiên có sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo hai bên kể từ năm 2017.
Sáng 11/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến tại Washington D.C, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 12 và 13/5 tại thủ đô Washington D.C của Hoa Kỳ có ý nghĩa rất lớn đối với hai bên bởi hội nghị lần này đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ.

Tiến sỹ Hoo Chiew Ping, chuyên gia các vấn đề quốc tế, giảng viên cao cấp Đại học quốc gia Malayisia, nhấn mạnh đây là Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai kể từ năm 2016, song là hội nghị đầu tiên có sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo hai bên kể từ năm 2017.

Đề cập đến vai trò của hội nghị trong định hướng chính sách của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đối với Đông Nam Á, bà Hoo Chiew Ping nêu rõ hội nghị cấp cao này sẽ vừa là một phép thử lớn, vừa là cơ hội để Tổng thống Joe Biden thể hiện Washington sẽ tăng cường gắn bó với ASEAN. Chính quyền Tổng thống Biden hiểu rằng Hoa Kỳ chỉ có thể thành công ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu thu hút được mức độ phối hợp và đóng góp từ các đối tác trong khu vực.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đề ra tầm nhìn chung về một khu vực tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và bền vững. Thông qua chiến lược này, Hoa Kỳ sẽ cộng tác với bất kỳ bên nào sẵn sàng đóng góp để mở rộng năng lực tập thể của khu vực.

[Thủ tướng tới Washington dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ]

Theo bà, thông qua hội nghị, Tổng thống Biden sẽ chứng minh mục tiêu của Hoa Kỳ là đem đến một giải pháp kinh tế hiệu quả hơn cho Đông Nam Á trong quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do dịch bệnh ảnh hưởng tới Trung Quốc (60-70% nguyên liệu thô nhập khẩu và xuất khẩu đều bắt nguồn từ quốc gia này) cùng những tác động kinh tế do căng thẳng Nga-Ukraine, việc tăng cường hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ có thể giúp bù đắp cú sốc chuỗi cung ứng nghiêm trọng hiện nay.

Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho rằng Malaysia cũng như Việt Nam đều là những quốc gia góp phần tạo nên chuỗi cung ứng chất bán dẫn để sản xuất đồ điện tử với những nhà máy sản xuất có tiếng.

Trong khi ASEAN muốn tranh thủ cơ hội đầu tư của Hoa Kỳ, phía Washington muốn giành được sự tin tưởng của các thành viên ASEAN trong lộ trình đưa nhà máy sản xuất của Hoa Kỳ tới các nước trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục