Chuyên gia sử học Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam

Giáo sư Sombo Manara nhấn mạnh khi đề cập đến Chiến thắng 7/1/1979, không thể không nói đến vai trò của quân tình nguyện Việt Nam trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng ở Campuchia.
Giáo sư sử học Sombo Manara trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia đang chuẩn bị kỷ niệm trọng thể Ngày quân và dân Campuchia với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979-7/1/2024).

Đây là sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu sự hồi sinh của đất nước và nhân dân Campuchia sau những năm tháng tan thương dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, khiến hàng triệu người dân vô tội thiệt mạng.

Cách đây gần 45 năm, ngày 7/1/1979, lực lượng vũ trang tập hợp những người yêu nước dưới ngọn cờ Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, cùng sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ Pol Pot, giải cứu kịp thời hơn 5 triệu nạn nhân của chế độ diệt chủng tàn bạo chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư Sử học Sombo Manara thuộc Đại học Panasastra Campuchia cho rằng khi nói về Chiến thắng 7/1/1979 là nói về sự kiện trọng đại đối với đất nước, con người Campuchia.

Trong quãng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, họa diệt chủng đã khiến Campuchia mất đi sức mạnh dân tộc, mất đi nền tảng nguồn lực quốc gia, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế và mọi thứ gần như trở về con số 0.

Theo Giáo sư Sombo Manara, trong tận cùng nỗi sợ hãi, không một người dân nào ở Campuchia dám nghĩ và mơ tới một ngày nào đó có thể thoát khỏi sự giết chóc, về quê nhà, đi làm việc.

Lúc đó, họ chỉ có một suy nghĩ duy nhất là liệu có thể sống tiếp đến ngày mai, ngày kia hay không. Chính vì vậy, ý nghĩa quan trọng của Chiến thắng 7/1/1979 là ngày người dân Campuchia biết rằng mình còn sống, thoát khỏi mưu toan bức hại khó tưởng tượng của Pol Pot nhằm vào giới trí thức, những người có năng lực, nhất là nguồn lực phát triển đất nước.

Từng là một nạn nhân sống sót từ chế độ diệt chủng Pol Pot, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Khmer Sombo Manara cho rằng đối với người dân Campuchia, ngày 7/1/1979 có ý nghĩa lịch sử, để những người còn sống được gặp lại anh em, họ hàng, thoát khỏi mưu toan bức hại thông qua các hình thức hành hạ, đàn áp của Pol Pot.

Bên cạnh đó, là có tự do để thực hiện những phần việc của cuộc đời mình, để lại được sống, được học hành và làm việc.

Giáo sư Sombo Manara nhấn mạnh khi đề cập đến Chiến thắng 7/1/1979, không thể không nói đến vai trò của quân tình nguyện Việt Nam trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng ở Campuchia cách đây gần nửa thế kỷ, cũng như quá trình gắn bó, kề vai sát cánh với quân đội và nhân dân Campuchia trong công cuộc tái thiết đất nước và ngăn chặn mưu toan quay lại cầm quyền của tàn quân Pol Pot.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Giáo sư Sombo Manara đề cao giá trị cao cả đối với vai trò của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam ở thời điểm đó, trong việc phụng sự lợi ích của quốc gia và tinh thần nhân đạo, giải cứu người dân Campuchia khỏi bị giết hại bởi chế độ diệt chủng.

Ông nêu rõ: “Đó là những giá trị mà chúng ta đã chia sẻ với nhau từ thời chống Pháp. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã lưu tâm, suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề ở quốc gia láng giềng này, giúp thoát khỏi nạn diệt chủng. Thế nên, khi có hoạt động huy động, kêu gọi đều được hưởng ứng, tham gia.”

Vị Giáo sư thuộc Đại học Panasastra Campuchia chia sẻ nhiều góc nhìn khá mới mẻ về sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước ông cách đây gần nửa thế kỷ

Đánh giá cao nghĩa vụ tình nguyện và sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, Giáo sư Sombo Manara đi sâu phân tích và nhấn mạnh ý nghĩa của cụm từ “Bộ đội tình nguyện Việt Nam” theo cách gọi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, có nghĩa là đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người khác và cộng đồng một cách tự nguyện, bằng ý chí và trái tim, không suy tính gì đến chuyện đền đáp.

Ông khẳng định: "45 năm qua chúng ta luôn luôn dùng từ “Bộ đội tình nguyện Việt Nam.” Nói tới chữ “tình nguyện” nghĩa là không yêu cầu đền đáp gì cả. Trong tiếng Khmer cũng như ngôn ngữ nước ngoài, từ “tình nguyện” đều mang ý nghĩa đề cao giá trị đạo đức xuất phát từ trái tim."

Theo Giáo sư Sombo Manara, cần đề cao giá trị đạo đức, giá trị nhân đạo của "Bộ đội tình nguyện Việt Nam" trong hỗ trợ nhau và cần tăng cường điều đó hơn nữa cho hành trình phát triển tương lai, vì sự chung sống hòa hợp của quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục