Chuyên gia y tế Australia kêu gọi chiến lược vaccine+ toàn cầu

Hai chuyên gia y tế Australia cho rằng việc tiêm chủng vaccine hiện nay là chưa đủ để chiến thắng được đại dịch COVID-19, điều mà thế giới cần hiện nay là chiến lược vaccine+.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo, ngày 16/4/2021. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 19/4, Giáo sư Mike Toole, chuyên gia dịch tễ học, và Giáo sư Brendan Crabb, Giám đốc Viện Burnet, đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tiếp tục bùng phát tại hầu hết các khu vực trên thế giới bất chấp nỗ lực của nhiều nước trong việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng.

Hai chuyên gia y tế Australia cho rằng việc tiêm chủng vaccine hiện nay là chưa đủ để chiến thắng được đại dịch COVID-19. Điều mà thế giới cần hiện nay là chiến lược vaccine+.

Theo giới chuyên gia Australia, 8 loại vaccine ngừa COVID-19 mà thế giới hiện có đều có thể ngăn ngừa hiệu quả virus SARS-CoV-2, căn cứ trên kết quả tiêm chủng ở 2 nước Israel và Anh.

Tuy nhiên, đại dịch vẫn tiếp tục bùng phát do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc triển khai vaccine không đồng đều trên toàn cầu, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, số người trẻ tuổi mắc bệnh gia tăng và cả sự tự mãn và chủ quan của người dân.

Một trong những vấn đề lớn tác động đến việc kiểm soát dịch bệnh hiện nay đó là việc phân phối vaccine không đồng đều.

Thống kê cho thấy 39% tổng số liều vaccine hiện có đã được tiêm ở 27 quốc gia giàu có nhất thế giới, trong khi 85 nước nghèo nhất thế giới chỉ nhận được 1,3% tổng số liều vaccine.

Với tốc độ này, hầu hết dân số thế giới sẽ vẫn không được bảo vệ ít nhất cho đến giữa năm 2022.

[Hơn 50% số người trưởng thành tại Mỹ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine]

Điều này chắc chắn sẽ gây ra tác động lớn trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn và gây bệnh nặng hơn đang làm gia tăng số ca bệnh trên toàn thế giới. 

Đáng lo ngại, các biến thể này dường như cũng "né tránh" tác động miễn dịch của vaccine. Hậu quả là, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện, vaccine vẫn chưa thể giúp đạt được miễn dịch cộng đồng.

Trong khi đó, sự tự mãn và việc nới lỏng sớm các hạn chế ở nhiều quốc gia đã khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng ở các địa điểm giải trí, mua sắm và thể thao.

Thực tế, những người trẻ tuổi di chuyển nhiều hơn và tham gia nhiều hoạt động hơn phần nào cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở các nhóm tuổi trẻ hơn.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế Australia cho rằng chỉ riêng việc tiêm chủng là chưa đủ, thế giới cần có một chiến lược "vaccine+" để tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt. 

Điều này đòi hỏi một chiến lược đa hướng, trong đó có việc đầu tư lớn hơn vào cơ chế phân phối vaccine toàn  cầu COVAX - hiện đang chậm tiến độ trong việc cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay, cũng như các sáng kiến khác gồm tài trợ vaccine, tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine.

Bên cạnh đó, tất cả các nước cần tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục