Thạc sỹ Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng phòng Thực vật biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết cơ quan này vừa hoàn thành đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh. 1837) cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.”
Sau hơn một năm thực hiện đề tài tại Vùng 4 Hải quân (thành phố Cam Ranh), Viện Hải dương học Nha Trang đã xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao hai mô hình trồng rong nho biển theo phương pháp treo và trồng trên đáy bể composite.
Quá trình xây dựng mô hình cho thấy rong nho phát triển nhanh, cho năng suất cao, đạt khoảng 7-10 kg rong tươi/m2 và chất lượng tốt, đảm bảo là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Cả hai mô hình này có tiện ích ít choán diện tích, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện trên các đảo của huyện Trường Sa.
Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đề tài còn chuyển giao quy trình bảo quản rong nho biển nhằm sử dụng dài ngày, theo đó khi áp dụng phương pháp sục khí trong 16-24 giờ/ngày sẽ bảo quản rong ở dạng tươi từ 8-10 ngày; hoặc ướp muối (nước muối bão hòa hoặc muối ăn) có thể bảo quản 3-4 tháng.
Đề tài cũng đã tập huấn cho 40 cán bộ, chiến sỹ các kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển, đồng thời cung cấp hơn 100kg sản phẩm rong nho biển cho các bếp ăn của một số đơn vị tại Vùng 4 Hải Quân và một số đảo.
Rong nho biển được sử dụng làm thức ăn truyền thống ở các nước Nhật Bản, Philippines… dưới dạng rau xanh hoặc salad, có giá trị kinh tế cao.
Tại Khánh Hòa, những năm gần đây rong nho biển được người dân đưa vào trồng thử nghiệm đã tỏ ra thích ứng với môi trường và đạt năng suất cao./.