Chuyện mạng tuần qua: Giá của một con ruồi trong chai nước

Đã có nhiều ý kiến phân tích về tính đúng, sai của vụ việc. Nhưng “con ruồi giá 1 tỷ” còn đặt ra một vấn đề khác về sự minh bạch trong xã hội.
Dư luận Canada từng xôn xao với chuyện con chuột chết được phát hiện trong một cốc càphê hồi năm 2014 (Nguồn: CBC)

Vụ người tiêu dùng yêu cầu một công ty nước giải khát trả 1 tỷ đồng để mua lấy sự im lặng về chai nước ngọt có con ruồi đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Khách hàng đã bị công an tạm giam để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Đã có nhiều ý kiến phân tích về tính đúng, sai của vụ việc. Nhưng “con ruồi giá 1 tỷ” còn đặt ra một vấn đề khác về sự minh bạch trong xã hội.

Nhìn từ sự lệch chuẩn

Căn cứ nghiên cứu của phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì tỉ lệ đòi nợ bằng phương pháp phi luật (xã hội đen) thành công đến 90%. Nếu đòi nợ đúng luật (thông qua khởi kiện tại tòa án và chờ cơ quan thi hành án thực hiện) thì chỉ đạt 50%.

Phương thức luật không chỉ hiệu quả mà còn nhanh hơn phương thức đúng luật. Người dân sẽ chọn cách thức hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất còn tính đúng sai về luật thì... tính sau.

Ông Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn- Bồi dưỡng pháp luật kinh doanh đã đặt ra một câu hỏi ngược khi người viết tìm sự tư vấn về luật trong vụ việc nói trên: “Tại sao tỉ lệ đòi nợ bằng xã hội đen lại thành công nhanh hơn là khởi kiện?”

Và ông lý giải rằng việc chọn cách hành xử phi luật bởi các thiết chế về luật chưa đủ chặt chẽ, do thiếu những công cụ hỗ trợ cần thiết.

Tại nhiều nước có nền kinh tế phát triển, tuyệt đại đa số giao dịch đều được thực hiện bằng thẻ, hạn chế được cái gọi là “của nổi, của chìm” nhờ vào sự minh bạch tài chính. Từ minh bạch tài chính tốt sẽ dẫn tới hạn chế tới tối đa việc trốn thuế và phân bổ thu nhập của xã hội thông qua các hoạt động như dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội cho những người có thu nhập thấp hay không còn sức lao động.

Thế nên, quay trở lại vụ việc con ruồi giá 1 tỷ đồng, theo người viết, cách hành xử của khách hàng và công ty nước giải khát đều sai.

Có còn niềm tin?

Giả sử nếu đúng chai nước ngọt có ruồi là của công ty nước giải khát bị yêu cầu giao 1 tỷ để đổi lấy sự im lặng, thì vị khách hàng đã “bảo vệ mình” bằng cách rất “lạ”. Số lượng lẫn phương thức phát tán thông tin 5.000 tờ rơi nếu doanh nghiệp không chịu mua sự im lặng là một phương thức sai luật, mang tính chất đe dọa.

Ở đây, khách hàng mới chỉ nghĩ cho mình thay vì nghĩ cho sự an nguy của cộng đồng với việc không công bố rộng rãi thông tin một sản phẩm mang tính đại trà (nước giải khát) lại có dấu hiệu không an toàn. Tính tư lợi thì ai cũng có nhưng khi không có nền tảng kiến thức về pháp luật thì việc phạm luật cũng sẽ dễ xảy ra.

Ngược lại, cách hành xử của công ty nước giải khát cũng rất lạ: họ không báo công an ngay từ đầu mà thương lượng xong mới báo. Nếu ngay từ đầu cuộc làm việc 3 bên: khách hàng, đại diện công ty nước giải khát, chính quyền địa phương (có thể là công an) diễn ra thì câu chuyện đã khác đi nhiều.

Và doanh nghiệp tuy không mất 500 triệu (giá 1 tỷ ban đầu đã giảm xuống khi hai bên thương lượng) nhưng họ mất nhiều thứ khác “vô hình” và lớn hơn 500 triệu rất nhiều. Tại sao doanh nghiệp lại không công bố chai nước ngọt có ruồi ấy có phải là của đơn vị mình sản xuất không, hoặc bị làm giả?

Tại sao chai nước ngọt có ruồi ấy không được đem đi xét nghiệm minh bạch? Và tại sao khi chấp nhận thương lượng (dân sự) rồi lại báo công án (hình sự)? Một cuộc tẩy chay hàng hóa quy mô rộng hay nỗi nhớ mang tên “nước ngọt chứa ruồi” có thể giết chết một doanh nghiệp lớn.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải phóng phân tích: “Thiết chế bảo vệ người tiêu dùng tốt thì một con ruồi trong chai nước ngọt cũng có thể có giá cao hơn 1 tỷ bởi nó giúp doanh nghiệp không bị mất uy tín bởi mất uy tín có thể dẫn đến khách hàng tẩy chay, giảm sút doanh thu và thậm chí là phá sản.”

Ông Hưng cũng cho rằng vai trò của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam quá mờ nhạt. Người tiêu dùng đã không được trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử với doanh nghiệp có hàng kém chất lượng.

Còn người viết thì cho rằng, khi người ta mất niềm tin với cuộc sống và với nhau, điều gì họ cũng dám làm...

Thế nên, giá trị thực sự của con ruồi trong chai nước có khi còn hơn cả 1 tỷ đồng, bởi đằng sau đó là vấn đề niềm tin. Mà niềm tin thì vô giá.

Lời tòa soạn: Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phản ánh quan điểm của tòa soạn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục