"Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet tiếp tục vun đắp quan hệ hai nước"

Theo học giả Uch Leang, thông qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet, quan hệ hữu nghị truyền thống Campuchia-Việt Nam sẽ tiếp tục được vun đắp ở cấp chính phủ và lãnh đạo các cấp.
Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet ngày 11-12/12, trang tin Domrey News của Campuchia đăng tải bài viết của học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), trong đó đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công du, cho rằng chuyến thăm lần này sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân Campuchia, cũng như nhân dân hai nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong bài phân tích có tiêu đề “Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Samdech Thipadei Hun Manet sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân,” nhà nghiên cứu Uch Leang cho biết chuyến công du Việt Nam sắp tới là chuyến thăm chính thức nước ngoài thứ hai kể từ khi Samdech Thipadei nhậm chức Thủ tướng Vương quốc Campuchia vào cuối tháng 8/2023.

Đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức to lớn nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Campuchia-Việt Nam theo tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” vốn luôn được giữ gìn và vun đắp, ngay cả trong bối cảnh đất nước Campuchia đã thay đổi thế hệ lãnh đạo mới.

Nhà nghiên cứu thuộc RAC lưu ý điều đó được khẳng định từ trước chuyến thăm chính thức sắp tới, và dẫn chứng hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Hun Manet với các nhà lãnh đạo Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế trong thời gian gần đây.

Trong đó, có cuộc gặp, ăn sáng với Thủ tướng Phạm Minh Chính theo thông lệ truyền thống giữa các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào và Việt Nam vào ngày 5/9 tại Jakarta (Indonesia), nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43; cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 18/10 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khi cùng tham dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” lần thứ 3; cũng như cuộc gặp vào ngày 20/10 với Thủ tướng Việt Nam nhân dịp cùng tham dự “Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh” tại Riyadh, Saudi Arabia.

Tại các cuộc gặp trên, Thủ tướng Campuchia Hun Manet bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực.

Kim ngạch thương mại song phương và số lượng khách du lịch giữa hai nước tăng trưởng đều đặn, các lĩnh vực quốc phòng và đào tạo nguồn nhân lực cũng có nhiều hoạt động gắn kết chặt chẽ.

Nhân chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia, sáng 20/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Manet. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Hun Manet và các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng trao đổi nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó có nội dung sớm xúc tiến các thỏa thuận để mở đường cho việc kết nối tuyến đường cao tốc phía Campuchia với đường cao tốc phía Việt Nam (Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh), tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương và du lịch giữa hai nước.

Về phần mình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Samdech Thipadei được tín nhiệm giữ cương vị lãnh đạo Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ mới, bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet, Campuchia sẽ thực hiện thành công mọi chính sách đã đề ra trong khuôn khổ quốc gia và quốc tế; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ với Campuchia, vì lợi ích chung của hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet trong thời gian qua, đất nước Campuchia có sự ổn định và phát triển đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực.

Thủ tướng hai nước cũng nhất trí đánh giá cao sự tiến bộ và phát triển của quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ. Đặc biệt, Thủ tướng Việt Nam khẳng định ủng hộ sáng kiến của Samdech Thipadei về hợp tác du lịch ba bên giữa Campuchia, Lào và Việt Nam với khẩu hiệu “Ba quốc gia, một điểm đến,” cũng như các dự án kết nối tuyến cao tốc Phnom Penh-Bavet và Bavet-Thành phố Hồ Chí Minh và đường sắt.

Trong bài phân tích chuyên sâu của mình, nhà nghiên cứu Uch Leang cũng đề cập đến nội dung cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Manet với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng vào ngày 11/10 tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Campuchia chào mừng và cho rằng sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam vào thời điểm này là cơ hội để hai bên cùng trao đổi về việc tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác trong mối quan hệ lịch sử giữa Campuchia và Việt Nam.

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển không ngừng của quan hệ song phương Campuchia-Việt Nam trên mọi lĩnh vực trong thời gian qua, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết mở rộng các lĩnh vực hợp tác hiện có ở mọi cấp độ, nhất là trong lĩnh vực thương mại, du lịch, quốc phòng, an ninh, cũng như tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác.

Bài viết dẫn thông cáo báo chí ban hành ngày 7/11 của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, giới thiệu nội dung lịch trình chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet, cùng nhận định cho rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Samdech Thipadei sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ lâu đời giữa hai nước và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Theo học giả Uch Leang, thông qua chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Hun Manet, quan hệ hữu nghị truyền thống Campuchia-Việt Nam sẽ tiếp tục được vun đắp ở cấp chính phủ và lãnh đạo các cấp, trong các tầng lớp nhân dân và thanh niên, trên tinh thần của mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai đất nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Qua đó, giúp Campuchia từng bước đi lên trên cơ sở thực hiện Chiến lược Ngũ giác giai đoạn 1 của Chính phủ Hoàng gia, trong đó, yếu tố con người được xác định là ưu tiên số một, tiếp theo là các lĩnh vực đường sá, nước sạch, điện và công nghệ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước phù hợp với tầm nhìn trung và dài hạn, hướng tới mục tiêu đưa Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục