Chuyện về cô giáo có tấm lòng thiện nguyện vì học sinh nghèo

Bằng nhiều nguồn khác nhau, những năm qua, cô Dung đã giúp cho hàng nghìn học sinh được nhận hỗ trợ quần, áo, cặp sách, đồ dùng học tập; mua đất và xây nhà tình thương cho 5 học sinh khó khăn.
Thư viện sách do cô Dung hỗ trợ là điểm đến yêu thích của các em học sinh. (Ảnh: Nguyễn Dung/TTXVN)

Về nhận công tác tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại xã Đắk Nang, huyện Krông Nô (Đắk Nông) được 11 năm, cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung (sinh năm 1988) tận mắt chứng kiến tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc của các học sinh nơi đây. Từ đó, cô cố gắng tìm tòi, vận động các nguồn lực để giúp đỡ các em có điều kiện đến trường.

Chúng tôi đến thăm cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung vào một ngày đầu tháng Năm. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi cùng cô đi trao quà hỗ trợ cho các học sinh khó khăn.

Khi tôi và cô giáo vừa tới cũng là lúc em Hờ A Dờ đi học về. Em Dờ là người dân tộc Mông, năm nay đang học lớp 4. Bố mẹ mất sớm nên em sống cùng gia đình anh trai.

Trong ngôi nhà tre dựng tạm, diện tích chỉ khoảng 15m2 là chỗ ở cho cả gia đình, kê bàn, ghế, giường và cả bếp để nấu cơm.

Cuộc sống khó khăn, gia đình em vốn là dân di cư tự do khiến việc học của Dờ cũng bị ảnh hưởng. Biết được hoàn cảnh, cô Dung đã đến thăm, động viên và nhận hỗ trợ hàng tháng nhằm tạo điều kiện cho em được đến trường.

Em Dờ kiệm lời, nhút nhát nhưng thấy cô giáo đến thăm là hào hứng khoe: “Ở trong nhà, bàn học, tủ đồ đều được cô Dung hỗ trợ cho em, mỗi tháng cô đều đến thăm và cho gạo, bánh để em có thêm điều kiện đến trường."

Em Hờ A Dờ là một trong số 28 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong toàn huyện được cô Dung nhận giúp đỡ thường xuyên với mức tiền từ 500.000 đến 800.000 đồng/tháng. Tùy vào mỗi hoàn cảnh mà cô có cách hỗ trợ khác nhau, khó chỗ nào cô sẽ giúp chỗ đó để tạo điều kiện cho các em được đến trường.

[Bộ tiểu thuyết xúc động về tình yêu của một cô gái trẻ mắc ung thư]

“Bếp ăn cho em” cũng là mô hình cô Dung tâm huyết nhất trong suốt 11 năm làm giáo viên. Năm 2010, khi mới về dạy học ở trường, tận mắt chứng kiến tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc của học sinh nơi đây, cô đã khóc vì đồng cảm vơi hoàn cảnh của các em.

Đa số học sinh nơi đây là người đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Tày, Mông; cha mẹ các em suốt ngày lên rẫy, không quan tâm nhiều đến con em. Các em nhỏ không chỉ thiếu sách vở, quần áo mà còn thiếu cả cơm ăn.

Nhận thấy các em phải học cả 2 buổi sáng và chiều tại trường nên nếu không có cơm ăn, nhiều em phải bỏ học.

Thương học trò, cô nhen nhóm ý định xây dựng 1 bếp ăn để có thể nấu cơm miễn phí cho lũ trẻ. Từ đó, cô Huỳnh Thị Thùy Dung bắt đầu đi xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.

Ban đầu là từ phía gia đình, người quen, sau đó cô tận dụng mạng xã hội, qua các kênh Zalo, Facebook viết các lời chia sẻ về hoàn cảnh của các em để lan tỏa sự sẻ chia của cộng đồng.

Nhận được sự đồng cảm, rất nhiều nhà hảo tâm từ khắp cả nước gửi về hỗ trợ tiền mặt, tấm áo, tập vở cho đến các loại nhu yếu phẩm…

“Ban đầu mình chỉ nấu đồ ăn, còn cơm thì các con tự mang theo. Chưa có nhà ăn thì cô trò trải tấm bạt ra giữa sân trường. Hôm nắng, hôm mưa, thương các em, mình chỉ mong có một căn bếp đảm bảo cho các con có chỗ ăn, chỗ ngủ trưa đàng hoàng," cô Dung nhớ lại.

Năm 2019, ước mơ có bếp ăn cho học sinh của cô Dung đã trở thành sự thật, khi các nhà hảo tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ số tiền lớn để mua thêm đất ngay sau trường và xây một nhà ăn rộng 160m2, với chi phí hơn 400 triệu đồng.

Sau 2 năm, số lượng học sinh ăn tại nhà ăn từ 90 tăng lên 220 em. Từ chỗ chỉ nấu thức ăn, nay cô Dung đã nấu cả cơm và thức ăn phục vụ hoàn toàn miễn phí 4 buổi trong tuần (vào các ngày thứ Hai, Ba, Năm, Sáu). Chi phí mỗi tháng tiền ăn khoảng 25 triệu đồng.

Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung với hy vọng chắp cánh ước mơ cho các em học sinh. (Ảnh: Nguyễn Dung/TTXVN)

Nhìn lại khoảng thời gian khó khăn đã qua, cô Dung tâm sự không ngờ mình lại có thể mạnh mẽ, kiên cường đến thế.

Cô đã từng có ý định buông xuôi trước những lời gièm pha của một số người, đã có lúc bếp ăn gần như gián đoạn vì không đủ kinh phí… thế nhưng, vì tình yêu học trò, vì những nụ cười của các học sinh, cô Dung gạt bỏ cái tôi để tiếp tục con đường của mình.

“Mình đã từng áp lực, buồn rất nhiều khi nghe thấy những lời nói xấu sau lưng. Thế nhưng nghĩ đến những việc đã từng làm, những khó khăn từng trải qua, mình quyết tâm vượt qua dư luận, miễn sao mình không làm gì sai, lương tâm mình không áy náy. Hiện tại, vẫn còn nhiều khó khăn, tiền ăn của các em cũng phải đi xin khắp nơi, nhiều khi hết tiền phải ứng trước rồi lại đi xin sau nhưng thật mừng vì bếp ăn chưa phải dừng lại ngày nào. Giờ mình chỉ mong có thêm một dãy nhà cho các em học sinh ngủ trưa,...," cô Dung chia sẻ.

Bằng nhiều nguồn khác nhau, những năm qua, cô Dung đã giúp cho hàng nghìn học sinh được nhận hỗ trợ quần, áo, cặp sách, đồ dùng học tập; mua đất và xây nhà tình thương cho 5 học sinh khó khăn; hỗ trợ truyện và đồ dùng cho thư viện nhà trường…

Với những nỗ lực của mình, cô Dung đã được các cấp chính quyền địa phương khen thưởng, tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Đặc biệt, cô còn nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhận xét về cô Thùy Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu Lương Thị Hằng nhấn mạnh: “Cô Huỳnh Thị Thùy Dung là đảng viên, là Chi ủy viên Chi bộ, luôn hỗ trợ nhà trường trong công tác kiểm tra; luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Là giáo viên phụ trách môn tiếng Anh, cô có năng lực vững, chuyên môn cao, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Xuất phát từ khó khăn của học sinh, cô đã huy động từ các nguồn hỗ trợ giúp đỡ các em. Cô là một gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục