Trong thời kỳ công nghệ số hiện nay, không chỉ các cơ quan báo chí hay nhà báo gặp khó, ngay cả các cơ quan chức năng, nhà quản lý, hoạch định chính sách về phát triển báo chí cũng gặp không ít những trở ngại cần vượt qua.
Bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng
Là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thông tin trên báo chí và mạng xã hội, nhằm đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Bộ đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Luật như Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng...; ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản...
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành tại Quyết định số 362-QĐ/TTg, ngày 3/4/2019 với lộ trình thực hiện là đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.
Quy hoạch khẳng định quan điểm báo chí phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
[Hạn chế tác động xấu của mạng xã hội đến công chúng]
Một trong những mục tiêu của việc quy hoạch, phát triển báo chí là sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa dời tôn chỉ mục đích...
Ngày 4/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT về triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Lý giải về việc cần thiết phải quy hoạch báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng là do báo chí hiện đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử; 66 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.600 người, trong đó có hơn 19.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề.
Quy hoạch báo chí nằm trong tổng thể quy hoạch chung của cả nước, hướng tới xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại hơn, xây dựng các cơ quan báo chí Việt Nam mang tầm quốc gia, khu vực.
Hiện, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý báo chí đã có tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ và báo chí như hiện nay, đôi khi có những văn bản vừa mới ban hành ra đã trở nên không phù hợp với hiện tại.
Điển hình như Luật Báo chí có hiệu lực từ 1/1/2017 đến nay đã có những biểu hiện lạc hậu, bởi nhiều quy định chưa rõ ràng, như tạp chí điện tử là như thế nào, báo điện tử là như thế nào, những quy định trong nội dung liên kết sản xuất chương trình là như thế nào... dẫn đến có hiện tượng lách luật, gây khó khăn trong công tác quản lý. Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với xu thế...
Mặt khác, công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội cũng còn những khó khăn. Mạng xã hội giờ đây đã trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức, hành động của người dân, trong khi đó mô hình quản lý thông tin trên mạng vẫn theo cách thức quản lý báo chí truyền thống.
Quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc quy định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây khó khăn cho công tác quản lý...
Nghiên cứu, xác định mô hình thực hiện
Lộ trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được xây dựng cụ thể, rõ ràng; điều quan trọng nhất là việc thực hiện. Theo phó giáo sư-tiến sỹ Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc quy hoạch báo chí phải triển khai lâu dài bởi nếu không quản lý tốt sẽ tạo ra sự phát triển báo chí một cách tùy tiện, dẫn đến tình trạng thừa-thiếu, mất cân đối trong hệ thống báo chí.
Việc Chính phủ quyết liệt trong việc quy hoạch báo chí là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên việc quy hoạch báo chí cũng cần xem xét trong nhiều trường hợp khác nhau để có mô hình hoạt động thích hợp. Ví dụ như mô hình tổ chức cơ quan báo chí trong bối cảnh phát triển truyền thông hiện đại hiện nay cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể ra được hình mẫu tốt, từ đó hướng dẫn các cơ quan báo chí có thể học tập, phát triển theo đặc thù cơ quan báo chí của mình.
Phó giáo sư-tiến sỹ Hà Huy Phượng dẫn chứng Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện mô hình trung tâm truyền thông và đến nay đã đạt được một số kết quả. Mô hình này cần sớm được tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá; nếu hiệu quả, có thể triển khai áp dụng cho báo chí địa phương và thậm chí quy hoạch cho báo chí của các tổ chức chính trị-xã hội.
Quyết định 362-QĐ/TTg quy định giảm bớt triệt để đầu mối cơ quan báo chí, đơn vị báo chí của Hà Nội và Thành phố Hồ Minh. Điều này cũng đặt ra khó khăn, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 30 cơ quan báo chí, tới đây sẽ giảm bớt xuống 5 và dần dần là một đơn vị báo chí, vậy trường hợp báo Tuổi trẻ - cơ quan báo chí thuộc Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh - tờ báo được ví như đứa bé đã phát triển thành người khổng lồ - sẽ được giải quyết như thế nào? Theo quy hoạch, tờ báo này chỉ là một đơn vị cấp phòng của Thành Đoàn và sẽ trở thành bản tin. Điều này sẽ làm mất đi một thương hiệu báo chí lớn của Việt Nam.
Thêm nữa, sự kiện báo chí diễn ra hàng ngày, hàng giờ với nhiều nhà báo đến tác nghiệp; nếu một cơ quan báo chí đa phương tiện cử nhiều phóng viên với nhiều loại hình khác nhau đến tác nghiệp, sau đó, nội dung của các thông tin này lại không ăn nhập gì với nhau, sẽ được giải quyết như thế nào?
Điểm nữa cần tính đến là hiện Việt Nam có gần 19.000 nhà báo đang hoạt động, khi sắp xếp lại bộ máy, nguồn nhân lực này sẽ được giải quyết như thế nào? Nguồn nhân lực này cần được đào tạo, bồi dưỡng lại, cung cấp cho các cơ quan báo chí, để đáp ứng thời kỳ công nghệ số. Điều này cần được xem xét để giải quyết hợp lý.
Việc giảm bớt, thu gọn đầu mối cơ quan báo chí là việc làm cần thiết nhưng cũng cần xem xét tính hợp lý. Những gì đã phát triển tốt, nên giữ nguyên, cái gì không tốt, cần mạnh dạn xóa bỏ; thậm chí cần loại bỏ một số cơ quan báo chí không phù hợp. Khi đã có sự quy hoạch hợp lý, cần có một mô hình quản lý để triển khai. Lúc này cần sự vào cuộc của ba nhà: nhà khoa học (nghiên cứu báo chí truyền thông), nhà hoạt động thực tiễn báo chí, nhà hoạch định chính sách để bàn thảo ra một mô hình chung cho hoạt động báo chí và các cơ quan báo chí áp dụng linh hoạt theo tính đặc thù, phó giáo sư-tiến sỹ Hà Huy Phượng kiến nghị.
Phát biểu tại Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, với tinh thần tăng cường quản lý, kỷ cương để báo chí phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, cần đổi mới cách quản lý, theo kịp sự phát triển của xã hội, công nghệ cũng như các quan điểm mới của Đảng, Nhà nước về quản lý báo chí.
Các cơ quan báo chí, người làm báo cần chủ động là đơn vị, người đầu tiên đưa thông tin ra mạng; phân biệt rõ tai nạn nghề nghiệp và sự chống phá Đảng và Nhà nước để kịp thời xử lý.
Quy hoạch Báo chí đã được thông qua, việc làm này không phải để "siết" báo chí mà là làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc phát triển.
Việc quy hoạch cũng không thể làm một cách quá hành chính. Lộ trình đã được xác định rõ ràng. Khi làm cần phải xem xét đến từng cơ quan báo chí, từng nhà báo. Định hướng đã có, từng cơ quan chủ quản, từng báo phải tự làm. Khó ở đâu, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sát cánh tháo gỡ.
Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình. Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hòa bình mãi hiện hữu phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước, đó là năng lượng, trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo lên niềm tin, khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai người làm báo. Với sứ mạng thiêng liêng ấy trong tim, trong trí óc, các nhà báo sẽ nghĩ khác-làm khác, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh./.