Cơ hội và thách thức đối với tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc

Tổng Thư ký António Guterres đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trên cương vị mới với thách thức đầu tiên là phải vượt qua tình trạng chia rẽ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Guterres là Tổng thư ký thứ 9 của Liên hợp quốc, với nhiệm kỳ từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trên cương vị mới bằng bài phát biểu đầy ấn tượng, trong đó nhấn mạnh tới việc Liên hợp quốc cần phải thay đổi mới có thể xử lý được những thách thức toàn cầu như các cuộc xung đột và chủ nghĩa khủng bố.

Theo ông António Guterres, những xu hướng tăng trưởng dân số của thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu cũng như nhiều trào lưu lưu khác cho thấy trong thế giới ngày nay các vấn đề đều mang tính toàn cầu, do đó không thể giải quyết chúng trên cơ sở từng quốc gia, mà thay vào đó cần phải dựa trên cơ chế đa phương.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc nổi lên là nền tảng của cách tiếp cận đa phương.

Tuy nhiên, ông thẳng thắn thừa nhận rằng ngày càng nhiều người dân hoài nghi về những tổ chức đa phương như Liên hợp quốc.

Do đó, ông kêu gọi toàn bộ tổ chức Liên hợp quốc cùng nỗ lực để sửa chữa những thiếu sót, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc, cũng như xử lý những hạn chế đang cản trở hoạt động của tổ chức này. Đây không phải là lần đầu tiên ông Guterres kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 12/12, ông đã nói rằng: "Liên hợp quốc cần phải công nhận những nhược điểm và cải tổ cách thức làm việc. Tổ chức này là nền tảng của chủ nghĩa đa phương, và trong nhiều thập niên qua đã có những đóng góp đáng kể cho hòa bình. Tuy nhiên, thách thức hiện đang vượt quá khả năng đáp ứng của chúng ta. Liên hợp quốc cần phải sẵn sàng cho sự thay đổi."

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để thúc đẩy được tiến trình cải tổ cơ chế hoạt động của Liên hợp quốc, chỉ có quyết tâm chính trị thôi là chưa đủ. Muốn thực sự thay đổi Liên hợp quốc, ông Guterres phải vượt qua nhiều hạn chế đối với quyền hạn của chính mình.

Trước hết, ông phải vượt qua tình trạng chia rẽ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hiện, 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đang trong tình trạng chia rẽ khá sâu sắc như trong thời Chiến tranh Lạnh, vì thế giữ được cách tiếp cận trung dung là điều không hề dễ dàng đối với ông Guterres, chưa nói đến việc hối thúc sự cải tổ cơ quan siêu quyền lực này.

Thứ hai, đối với các cơ quan và chương trình của Liên hợp quốc nói chung, các chính phủ thành viên đề ra chính sách, và các bộ máy khác nhau của Liên hợp quốc chỉ được giao nhiệm vụ thực thi chính sách đó.

Do vậy, cả Tổng thư ký lẫn Ban Thư ký Liên hợp quốc đều không có bất kỳ vai trò kiến tạo chính sách độc lập nào. Ngoài ra, còn một trở ngại khác có thể đến từ Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Liên hợp quốc (cung cấp 20% ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc).

Ngày 20/1 tới đây, nước Mỹ sẽ có tổng thống mới là ông Donald Trump - người đã chỉ trích Liên hợp quốc hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng của tổ chức này và không giải quyết được các vấn đề toàn cầu.

Mặc dù vậy, bất chấp những hạn chế đối với quyền hạn của mình, ông Guterres đang nắm trong tay cơ hội hiếm có để thúc đẩy cuộc cải tổ Liên hợp quốc.

Trong thời gian gần đây, Liên hợp quốc đã đang phải gánh vác nhiều trọng trách hơn vì không có chính phủ của cường quốc nào muốn tăng cường vai trò của họ trên trường quốc tế. Mỹ tiếp tục có những điều chỉnh đáng kể chính sách đối ngoại theo hướng tránh bất kỳ cam kết triển khai quân lâu dài nào hay phải chi tiền của người đóng thuế.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, vốn đang vật lộn với thách thức nội bộ cả về chính trị, an ninh và kinh tế, cũng không tha thiết theo đuổi những cuộc phiêu lưu mới ở nước ngoài mà không nhìn rõ lợi ích thu được.

Trong khi đó, hai cường quốc khác là Trung Quốc và Nga cũng có những mối bận tâm riêng của mình.

Với Trung Quốc, đó là thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế đầy phức tạp và nhiều rủi ro ở trong nước. Còn nước Nga vẫn chưa hành động quyết liệt khi mà Tổng thống Vladimir Putin cho rằng những lợi ích và vị thế của nước Nga đang bị đe dọa.

Trong một thế giới mà không có quốc gia nào muốn đứng mũi chịu sào, Liên hợp quốc và các cơ quan của họ chưa bao giờ quan trọng đến thế.

Chính bởi vậy, dù muốn hay không, các quốc gia nhiều ảnh hưởng tại Liên hợp quốc vẫn phải công nhận sự cần thiết phải cải tổ cơ chế hoạt động của cơ quan này để có thể xử lý hiệu quả hơn những vấn đề mà các nước lớn không muốn trực tiếp tham gia giải quyết nữa.

Có lẽ chính bởi vậy mà thông điệp đầu tiên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đưa ra là "làm điều đúng đắn thôi là chưa đủ, mà chúng ta còn cần phải giành lấy quyền được làm điều đúng đắn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục