Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực tăng điểm của thị trường ngay khi mở cửa phiên giao dịch.
Dù cuối phiên sáng, nhiều mã vốn hóa lớn đã đảo chiều giảm giá, nhưng những mã vốn hóa đứng đầu thị trường vẫn tăng tích cực giúp VN-Index giữ được sắc xanh.
Cụ thể, cuối phiên sáng 7/9, chỉ số VN-Index tăng 3,87 (0,43%) lên 905,41 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 225,4 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 3.551,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 201 mã tăng giá, 73 mã đứng giá và 168 mã giảm giá.
HNX-Index giảm nhẹ 0,38 điểm (0,3%) xuống 125,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 25,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 330,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 70 mã tăng giá, 59 mã giảm đứng giá và 64 mã giảm giá.
[Chứng khoán tuần tới: Chờ dấu hiệu kháng cự cụ thể của thị trường]
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 15 mã giảm giá, trong khi chỉ có 8 mã giảm giá. Tuy nhiên, ở chiều tăng giá đều là những mã cổ phiếu đầu ngành như: VNM tăng 2,3%, SAB tăng 1,5%, VIC tăng 1,1%, VHM tăng 0,7%...
Ở chiều giảm giá có TCH giảm 1,6%, các mã MWG, PNJ, VRE, VJC, KDH... chỉ giảm giá nhẹ ở mức dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có VCB, VIB, HDB, STB... Ở chiều giảm giá có BID, SHB, CTG, ACB, TCB, VPB. Tuy nhiên, mức tăng, giảm của các cổ phiếu ngân hàng là không lớn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực khi chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, PVD giảm 0,4%, GAS giảm 1,2%, PLX và POW giảm 1,4%, PVC giảm 1,8%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tích cực nhất thị trường với VIX tăng 9,6% lên giá trần, VIG cũng tăng 12,5% lên mức giá trần. Các mã lớn trong nhóm như: SSI và VND tăng 1,6%, CTS tăng 3,4%, HCM tăng 1%, VDS tăng 4,3%, SHS tăng 0,9%...
Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng trong phiên sáng nay. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại mua ròng 56,07 tỷ đồng, trong khi bán ròng hơn 46 triệu đồng trên HNX và 5,2 tỷ đồng trên UPCOM.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 7/9, thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm trái chiều giữa lúc các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng với cổ phiếu định giá ở mức quá cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm trong suy thoái sâu do đại dịch COVID-19 trong khi giá dầu giảm mạnh.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Nhật Bản đi xuống trong phiên sáng nay tiếp nối đà đi xuống của các mã công nghệ trên Phố Wall cuối tuần trước và cổ phiếu của tập đoàn SoftBank Group Corp giảm mạnh.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 78,51 điểm (0,34%), xuống 23.126,92 điểm.
Tại thị trường Australia chỉ số S&P/ASX 200 cũng hạ 27,50 điểm (0,46%), xuống 5.898 điểm, do sự sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, năng lượng và công nghiệp.
Hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hong Kong diễn ra tình trạng tăng giảm trái chiều.
Khép lại phiên sáng chỉ số Shanghai Composite giảm 0,16% xuống 3.350,03 điểm, còn chỉ số Hang Seng tăng 0,05% lên 24.708,79 điểm.
Trái ngược với xu hướng đi xuống của phần nhiều thị trường chứng khoán ở châu Á, thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng cao nhờ sự tăng giá cổ phiếu của hãng công nghệ Samsung Electronics và một số cổ phiếu sinh học.
Theo đó, tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 9,52điểm (0,4%) lên 2.377,77 điểm/.