Colombia: Căng thẳng leo thang có thể phá vỡ nỗ lực hòa đàm

Các nước trung gian gồm Cuba, Na Uy, Chile và Venezuela hỗ trợ cho cuộc hòa đàm tại Colombia đã lên tiếng kêu gọi các bên chấm dứt căng thẳng khẩn cấp.
Cảnh sát và binh sỹ Colombia làm nhiệm vụ tại làng El Mango thuộc thành phố Argelia ngày 27/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các cuộc đối đầu quân sự giữa Chính phủ Colombia và nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), các nước trung gian (gồm Cuba, Na Uy, Chile và Venezuela) hỗ trợ cho cuộc hòa đàm tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tiếng kêu gọi các bên chấm dứt căng thẳng khẩn cấp.

Kể từ khi các cuộc hòa đàm được khởi động vào năm 2012, Cuba và Na Uy đã tham gia tiến trình này với vai trò là quốc gia bảo trợ, trong khi đó Chile và Venezuela đóng vai trò là nước đồng hành.

Phát biểu với báo giới, đại diện của Na Uy, ông Idun Aarak Tvedt, nhấn mạnh Oslo kêu gọi các bên kiềm chế hoàn toàn mọi hành động gây thương vong hoặc tổn thất tại Colombia và thay vào đó thúc đẩy thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin.

Theo nhận định của nhà ngoại giao Na Uy, Chính phủ Colombia và FARC cần xây dựng các biện pháp mang tính thực chất, qua đó đảm bảo những điều kiện cho phép hai bên tiến tới thỏa thuận hòa bình.

Lời kêu gọi của các nhà hòa giải được đưa ra sau khi liên tiếp xảy ra các vụ xung đột giữa binh lính chính phủ và các tay súng FARC cùng với những cáo buộc lẫn nhau.

Căng thẳng leo thang làm còn dấy lên quan ngại về nguy cơ đổ vỡ đối thoại hòa bình cũng như những nỗ lực mà hai bên đã đạt được trong gần 3 năm đàm phán.

Trải qua 38 vòng đàm phán tại thủ đô La Habana của Cuba, cho đến nay, Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và FARC đã nhất trí về 3 trong số 5 nội dung chính đã đề ra trong tiến trình hòa đàm. Những nội dung đạt được gồm cải cách nông nghiệp, sự tham gia của FARC vào chính trường Colombia sau khi ký thỏa hiệp và đấu tranh chống buôn bán ma túy.

FARC được thành lập vào năm 1964 và được coi là nhóm vũ trang lớn nhất tại Colombia.

Theo thống kê, cuộc xung đột nội bộ kéo dài nhất tại Tây Bán cầu này ước tính đã làm khoảng 220.000 người thiệt mạng và khiến cho khoảng 6,8 triệu người trở thành nạn nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục