Colombia: Phiến quân ngừng bắn dịp bầu cử tổng thống

Các phiến quân FARC và ELN đã tuyên bố ngừng bắn từ ngày 20-28/5, khoảng thời gian sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại Colombia.
Đại diện FARC phát biểu tại Havana ngày 8/12. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/5, các phiến quân thuộc Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn kéo dài từ ngày 20-28/5, khoảng thời gian sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại Colombia vào ngày 25/5 tới.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các lực lượng phiến quân và Chính phủ Colombia hướng tới một kế hoạch hòa bình toàn diện trong các cuộc đàm phán tại thủ đô La Habana của Cuba.

Phát biểu với các phóng viên tại La Habana, thủ lĩnh phiến quân Pablo Catabumbo tuyên bố: “Chúng tôi đang lệnh cho mọi đơn vị ngừng mọi hành động tấn công quân sự nhằm vào các lực lượng quân đội hoặc cơ sở hạ tầng kinh tế từ 0 giờ ngày 20/5 tới 24 giờ ngày 28/5.”

Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực khôi phục đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia với FARC, được nối lại từ tháng 11/2012 sau thất bại của loạt cuộc thương thuyết tương tự diễn ra trong các năm 1982, 1992 và 1998 giữa hai bên.

Giới phân tích dự đoán các diễn biến trong tiến trình đàm phán này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Trước đó, trong một bài phỏng vấn, Tổng thống Joan Manuel Santos đã khẳng định quan điểm không ban bố một lệnh ngừng bắn cho đến khi Chính phủ Colombia và FARC đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Theo ông, giải pháp hữu hiệu nhất đối với cuộc xung đột kéo dài 5 thập kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này là tiếp tục tăng cường quốc phòng song song với hòa đàm.

Kết quả thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử tổng thống cho thấy Tổng thống đương nhiệm Joan Manuel Santos đang tạm dẫn trước ứng cử viên Oscar Ivan Zuluaga của đảng Tập trung Dân chủ với tỷ lệ sít sao.

Theo ước tính, cuộc xung đột vũ trang kéo dài năm thập kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này đã khiến ít nhất 220.000 người thiệt mạng, 25.000 người mất tích và 4,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Đây được cho là cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất tại châu Mỹ chưa được giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục