Công an và Kiểm sát TP.HCM phối hợp điều tra vụ tiếp viên xách ma túy

Vụ "tiếp viên hàng không xách ma túy" là một minh chứng phối hợp thành công giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra, qua đó triệt phá đường dây buôn ma túy quy mô lớn từ châu Âu về Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 25/4, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế liên ngành số 187/QCLN-VKSTP-CATP về phối hợp giữa 2 cơ quan trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bắt, tạm giữ và phân loại, xử lý vụ việc (gọi tắt là Quy chế 187).

Qua 1 năm thực hiện, công tác phối hợp giữa hai bên đã đạt hiệu quả cao, thể hiện trong kết quả điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, được dư luận quan tâm.

Đại tá Mai Hoàng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiệu quả công tác bắt, tạm giữ và phân loại, xử lý vụ việc được nâng cao, minh chứng là kết quả phối hợp trong các vụ án điển hình như vụ án đưa hối lộ; môi giới hối lộ; nhận hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các chi cục đăng kiểm thủy, các trung tâm đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố.

Trong vụ án này, các điều tra viên, kiểm sát viên đã phối hợp rất chặt chẽ, nắm chắc quy định pháp luật, thận trọng trong đánh giá chứng cứ, làm việc không kể ngày đêm…

Một vụ án nữa thể hiện thành công trong công tác phối hợp giữa Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh là vụ án mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy xảy ra tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, qua đó đã truy xét, triệt phá được một đường dây buôn bán ma túy quy mô lớn từ châu Âu về Việt Nam.

Về tội phạm hình sự, theo Đại tá Mai Hoàng, qua rà soát ước tính Thành phố Hồ Chí Minh có trên 200 công ty núp bóng công ty luật, công ty tài chính có hoạt động thu hồi nợ trái phép, cưỡng đoạt tài sản.

Qua phối hợp, Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát đã cùng nhau đánh giá, khởi tố rất nhiều vụ án liên quan; gần như tuần nào Cơ quan điều tra hai cấp cũng đấu tranh, khởi tố đối với tội phạm loại này.

Qua những vụ án trên, Đại tá Mai Hoàng nhận định công tác phối hợp thực hiện Quy chế 187 giữa hai cơ quan rất hiệu quả, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, thảo luận giải pháp, tránh oan sai nhưng không bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp Cơ quan điều tra ra Quyết định tạm giữ, tạm giam, lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp chưa đủ cơ sở, chưa đúng quy định bị Viện Kiểm sát cùng cấp hủy hoặc không phê chuẩn; vi phạm thời hạn chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát theo luật định…

Để khắc phục những tồn tại, Đại tá Mai Hoàng yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an Thành phố và Công an quận, huyện phải thường xuyên chỉ đạo điều tra viên tăng cường hơn nữa sự phối hợp với Viện Kiểm sát trong các giai đoạn điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc; cùng nhau bàn bạc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đánh giá, củng cố hồ sơ chứng cứ; trường hợp không thống nhất quan điểm phải kịp thời báo cáo lãnh đạo liên ngành, không để ảnh hưởng tiến độ giải quyết án.

[Bắt hơn 50 người liên quan vụ "tiếp viên hàng không xách ma tuý"]

Trong vụ án có nhiều đối tượng liên quan, Cơ quan điều tra phải báo ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp cử Kiểm sát viên tham gia ngay từ đầu để thuận lợi trong đánh giá chứng cứ và xử lý các đối tượng đúng người đúng tội; hạn chế những trường hợp hồ sơ bị Viện Kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung chứng cứ…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá sau khi ban hành Quy chế 187, nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả phối hợp của 2 cơ quan đã được nâng lên rõ rệt.

Cơ quan điều tra đã cung cấp thông tin, tài liệu, gửi các quyết định, lệnh qua Viện Kiểm sát kịp thời; kiểm sát viên chủ động tham gia phối hợp, nghiên cứu tài liệu chứng cứ ngay từ ban đầu, khắc phục tình trạng thụ động trước đây mà đã “song hành” với Cơ quan điều tra trong suốt quá trình giải quyết vụ án, vụ việc.

Viện trưởng Nguyễn Đức Thái nhấn mạnh: “Phối hợp chặt chẽ, chủ động đấu tranh tội phạm nhưng tuyệt đối không nể nang, xuôi chiều. Trường hợp nào có đủ căn cứ thì phê chuẩn, trường hợp nào chưa đủ thì phải yêu cầu bổ sung. Điều này không phải Viện Kiểm sát khó khăn gì mà khi đã phê chuẩn một trường hợp là phát sinh trách nhiệm gắn liền, nếu không chặt chẽ, không cẩn trọng là rất dễ oan sai.”

Trong thời gian tới, Viện trưởng Nguyễn Đức Thái yêu cầu lãnh đạo các đơn vị của hai cơ quan duy trì, tăng cường công tác đôn đốc, chủ động thông tin, kiến nghị những thiếu xót nếu có trong công tác để kịp thời chấn chỉnh.

Viện trưởng cũng lưu ý hai cơ quan cần có giải pháp nâng cao số lượng các vụ án, vụ việc giải quyết theo thủ tục rút gọn. Công tác này hiện chưa được tốt khi chỉ có 16 vụ được áp dụng, chưa được 1% số lượng án giải quyết trong 1 năm thực hiện Quy chế 187./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục