Công bố lộ trình về Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025

Việc xây dựng lộ trình nhằm tăng cường kết nối, giao lưu nhân dân và chuyển giao kiến thức trong ASEAN thông qua việc thúc đẩy dịch chuyển sinh viên trong ASEAN vào năm 2025.
Đối thoại Chính sách SHARE lần thứ 15 có chủ đề “Hướng tới tương lai của một không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á”. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Lễ công bố lộ trình về Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 và Kế hoạch thực hiện lộ trình này vừa được công bố sáng nay, ngày 27/7.

Đây là sự kiện mở đầu Đối thoại Chính sách SHARE lần thứ 15 với chủ đề “Hướng tới tương lai của một không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á”. Đối thoại do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Chương trình Hỗ trợ phát triển giáo dục đại học ASEAN (SHARE), và sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN, UNESCO, SEAMEO RIHED, AUN tổ chức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến, từ ngày 27 đến ngày 29/7, trong nhiệm kỳ Việt Nam là Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN.

Theo đó, lộ trình gồm 6 lĩnh vực chính: tăng cường nhận thức và hỗ trợ việc phát triển Không gian giáo dục đại học ASEAN; tăng cường nhận thức và triển khai việc đảm bảo chất lượng trong khu vực; hỗ trợ và tăng cường việc triển khai tham chiếu khung trình độ các nước với khung trình độ ASEAN; tăng cường hợp tác khu vực đối với giáo dục đại học, tăng cường dịch chuyển sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên, thực tập sinh; thúc đẩy và thực hiện sự công nhận lẫn nhau về bằng cấp (nếu có thể); thiết kế và đảm bảo bền vững cho việc phát triển Không gian giáo dục đại học ASEAN.

Lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 được xây dựng bởi Nhóm công tác giáo dục đại học ASEAN về dịch chuyển, Ban Thư ký ASEAN, Quỹ ASEAN và Chương trình SHARE. Mục tiêu của việc xây dựng lộ trình là tăng cường kết nối, giao lưu nhân dân và chuyển giao kiến thức trong ASEAN thông qua việc thúc đẩy dịch chuyển sinh viên trong ASEAN vào năm 2025 và triển khai học bổng ASEAN.

Lộ trình này dự kiến được trình cấp cao ghi nhận tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức tại Campuchia tháng 11/2022.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhận định, Không gian giáo dục đại học ASEAN là một nền tảng chung, tạo cơ hội tốt để cùng chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm và đề xuất các chiến lược. Lộ trình về không gian này được phát triển trong bối cảnh giáo dục đại học thay đổi trên toàn cầu và sự gián đoạn đối với sinh viên do đại dịch COVID-19.

[Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN]

“Tôi tin tưởng rằng Không gian giáo dục đại học ASEAN sẽ tạo sự hài hòa và hỗ trợ quốc tế hóa giáo dục đại học ASEAN, đặc biệt tăng cường kết nối giữa con người với con người và hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN”, Thứ trưởng khẳng định.

Tiếp theo buổi lễ công bố, Đối thoại Chính sách SHARE sẽ tập trung thảo luận về những đổi mới và sáng kiến góp phần vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục đại học ở Đông Nam Á, về cấu trúc và nguồn lực cần thiết để đảm bảo tính bền vững của không gian giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, tại Đối thoại chính sách “Hướng tới tương lai của một không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á”, các bên sẽ chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm và đề xuất các sáng kiến nhằm thiết lập không gian giáo dục đại học chung trong khu vực Đông Nam Á. Các mục tiêu đó phù hợp với các ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là nâng cao chất lượng, tăng cường hội nhập, đổi mới và tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học.

Chia sẻ những chính sách, đầu tư của Việt Nam và thành quả trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực, quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều hơn các ý kiến trao đổi tại Đối thoại để hỗ trợ phát triển giáo dục đại học ở phạm vi quốc gia và khu vực./.

Chương trình SHARE (Support to Higher Education in the ASEAN Region) khởi động từ 3/2014, là chương trình giáo dục đại học hàng đầu của Liên minh châu Âu kết hợp với ASEAN, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hoạt động của ASEAN về giáo dục. Các hợp phần của Chương trình bao gồm: các đối thoại chính sách, khung tham chiếu về chất lượng và đảm bảo chất lượng khu vực ASEAN, hệ thống chuyển đổi tín chỉ trong ASEAN, hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa ASEAN và EU, các chương trình học bổng cho sinh viên trong khối ASEAN và EU.

Chương trình đang được thực hiện bởi một nhóm các tổ chức bao gồm Hội đồng Anh, DAAD, ENQA và Nuffic. Kể từ năm 2015, Chương trình đã làm việc cùng với Ban Thư ký ASEAN để tăng cường hợp tác khu vực và nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên các nước ASEAN.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục